Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn sinh viên thân mến!
Bộ phim “Kẻ mộng mơ “ là thành quả của nhiều năm học tập trau dồi kiến thức. Tuy bộ phim chưa đạt được kết quả như những gì em mong đợi, nhưng em nhận thấy rằng quá trình làm ra bộ phim này mới là thành quả em nhận được. Đó là được trải nghiệm và ôn lại những những kiến thức mà các thầy cô đã dạy cho chúng em. Được làm việc với các anh, các chị, các cô chú đi trước để học hỏi thêm rất nhiều điều bổ ích.
Trải qua rất nhiều khó khăn trong việc làm phim để thấy rằng, làm một bộ phim hay không hề đơn giản. Cần nhiều hơn sự tôn trọng, sự nhiệt huyết, sự dũng cảm, tình yêu với nghề với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, và xã hội. Cần nhiều hơn sự quan tâm, tận tình , sự tin tưởng và giúp đỡ của của các thầy cô ,các thế hệ cha anh đi trước để chúng em có cơ hội được đóng góp nhiều điều giá trị tốt đẹp hơn trong tương lai.
Lời kết trong báo cáo tốt nghiệp của Lê Hồng Phương, tháng 6/2017

Nhân dịp phim ngắn “Kẻ Mộng Mơ” của bạn Phương vừa bất ngờ có thêm một giải thưởng nữa, mình muốn viết về trải nghiệm của bản thân mình trong quá trình làm phim ngắn thú vị này. Mùa thu năm 2016, mình gặp Phương lần đầu tiên ở lớp học Visual Comunication của chị Vũ Thu Hương. Qua lời kể của chị Hương và các bạn cùng lớp, mình biết được Phương là một người khá dị, trầm ngâm quá mức bình thường. Đó cũng chính là lí do mà mình tò mò về người bạn này, vì có thể nói, mình là thái cực ngược lại, khá thừa năng lượng.
Nhân có một ý tưởng để làm phim hoạt hình ngắn (ở thời điểm này mình mơ có thể làm được phim hoạt hình), mình chủ động inbox cho Phương để hỏi ý kiến của bạn ấy vì Phương học khoa quay phim ở trường Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Sau rất nhiều thời gian tranh luận qua lại, ý tưởng của mình chìm nghỉm. Lí do là vì Phương quá thẳng thắn khi đưa ra nhận xét khiến cho mình mất cả hứng để làm tiếp. Mình là kiểu người dễ cao trào cảm xúc và cũng dễ xịt cảm xúc nhanh không kém.
Trong thời điểm đó, Phương đang đau đầu chuẩn bị cho bài tốt nghiệp của bạn sau 7 năm mài đũng quần tại trường đại học. Mình còn nhớ trong một buổi cafe tối, bạn đã băn khoăn có nên làm tới cùng với bài tốt nghiệp hay không bởi làm phim tốn cực kì nhiều công sức và tiền bạc. Và mình, một con người rất nhiệt tình khi đụng đến vấn đề xui người khác “liều mạng”, đương nhiên sẽ hô lên quả quyết một câu đại loại như: “Làm chứ! Không sống hết mình thì sống để làm gì?” Tuy nhiên, nếu được quay lại thời gian, có lẽ mình sẽ nói giảm nói tránh hơn, bởi vì vào buổi tối hôm đó, mình vẫn chưa có một khái niệm gì về việc làm phim thực sự sẽ ra sao.
Điều mình rất ấn tượng ở Phương ở thời điểm đó là, mặc dù có vẻ ngoài quoắt queo và tính cách không thể “nhạt nhẽo” hơn trong mắt 90% số người tiếp xúc với bạn, Phương lại là một người có rất nhiều ý tưởng thú vị. Khi Phương nói với mình về việc có ý tưởng làm phim tốt nghiệp, mình không ngờ bạn sẽ gửi cho mình 7-8 cái kịch bản khác hoàn toàn nhau. Mỗi câu chuyện lại hết sức loằng ngoằng theo một cách riêng biệt. Một trong số đó là kịch bản “Kẻ mộng mơ” mà sau không biết bao nhiêu lần chỉnh sửa và cải thiện, cuối cùng đã được dựng thành phim ngắn tốt nghiệp, mang lại cho Phương hai giải thưởng trong khu vực.

trong khuôn khổ Liên Hoan Phim các Trường Đại Học Châu Á
“Jury’s Special Mention Award” tháng 10/2018
Sau khi làm việc với nhau qua một số công việc nhỏ, Phương mời mình làm hoạ sĩ minh hoạ cho bài tốt nghiệp hết sức quan trọng này. Tò mò, mình đồng ý. Mình cũng muốn thử xem làm một phim ngắn chỉnh chu, kiểu dân chuyên ngành nó sẽ như thế nào. Hơn nữa, trong đội ngũ làm phim tốt nghiệp này còn có chị Hương – giáo viên của mình, một người mình rất ngưỡng mộ bởi kiến thức về hình ảnh của chị ấy. Nào, ta làm phim nào!

Phim được chị Hương và Phương tính toán rất kỹ, mọi thứ đều phải chính xác về màu sắc, tỉ lệ, bố cục, vì thế công việc của mình cũng khá căng thẳng, thử thách. Mình sẽ vẽ minh hoạ tất cả các tranh có liên quan đến phim, được nhắc đến trong phim và vẽ concept để đội thi công (các bạn làm phim gọi là đội “thiết kế mỹ thuật”) có thể dựng thành bối cảnh quay được.


Mình còn nhớ sau khi vẽ hẳn ra concept xong xuôi rồi, mình phải chạy đôn chạy đáo đi tìm những đồ giống hệt như tính toán. Hồi đó kinh nghiệm thực tế của mình còn rất yếu. Mình không hiểu được sự khác nhau giữa đồ đạc tốt mình sử dụng trong nhà nó khác đồ đạc dùng để đi quay như thế nào. Vì không hiểu mục đích của các đồ đạo cụ này chỉ là để “lên hình”, mình đã tốn nhiều thời gian tìm kiếm và tốn nhiều tiền của Phương để mua nhiều thứ không cần thiết.
Ngoài việc thiết kế bối cảnh quay, mình còn kiêm luôn thiết kế một số đạo cụ đặc biệt. Bối cảnh phim đan xen giữa hiện đại và giả tưởng, nơi có tướng quân, có đaọ chích, có nhà vua,… Vì thế mình cần nghiên cứu lại lịch sử và cố tìm ra cách để chế tạo binh khí, vẽ phục trang để bạn của mình là Thuý Mèo (người phụ trách đồ diễn) có thể may được.

Thuý Mèo phải về làng nón để đặt riêng áo tơi và những chiếc nón có kích thước lớn. Để làm thanh kiếm cho nhân vật tướng quân, mình và Phương đi khắp nơi quanh Hà Nội để hỏi, rồi đi đến các làng nghề rèn dao kéo Đa Sĩ, làng nghề đúc đồng Đại Bái,…Nhưng chẳng nơi đâu nhận làm cả. Thậm chí mọi người còn cười nói là giờ ai làm mấy cái đấy nữa, người ta chỉ nhận làm các đơn hàng đồ thờ mà thôi. Thực ra cũng đúng, cuộc sống mà, tất cả mọi người đều phải làm cái gì mà họ có nuôi sống được bản thân và gia đình, hơi đâu mà làm mấy ý tưởng cỏn con của mấy đứa sinh viên.
Cuối cùng thật may mắn Phương tìm được anh Chế Thành, một chuyên gia chế tạo đạo cụ, anh nhận lời giúp chúng mình.
Trong công cuộc làm phim, mình đã lôi kéo rất nhiều bạn bè của mình tham gia vào trợ giúp và cả gia đình mình nữa. Nghĩ lại thì hầu như tất cả những ai thân thiết với mình đều có góp mặt một chút trong phim này. Mình nhớ cảnh các bạn mình hì hụi tô đạo cụ, cảnh bố và em mình đèo nhau đến hiện trường để mắc dàn bóng đèn lên cây cho mình. Và với cả Phương cũng thế. Phim ngắn, nhưng thời gian, công sức và tiền bạc mà Phương, gia đình, bạn bè đã bỏ ra không hề nhỏ. Mình nhớ rằng chúng mình đã buồn và thất vọng đến như thế nào khi phim ra đời không giống như ý muốn. Vì Phương đã bỏ ra rất nhiều nên kỳ vọng vào bộ phim cũng rất cao.




thực ra thanh kiếm rất nặng, khoảng 5-6kg

Ở rừng Cúc Phương có ba chuyện mình nhớ nhất. Chuyện thứ nhất là Mèo Hoang – bạn của mình đi giúp đoàn, làm việc quá sức và lên cơn sốt. Chị Trang make up phải lấy vòng bạc của mình đánh gió cho Mèo Hoang và cái vòng đó từ sáng loáng trở thành đen xì xì. Chuyện thứ hai là em Trọng diễn viên phải diễn một cảnh ngồi dưới mưa đêm. Lúc chứng kiến Trọng ngồi diễn và các anh tổ thiết kế mỹ thuật phun nước suối lạnh thẳng vào em, mình mới biết làm diễn viên rất vất vả không sung sướng như mình nhìn trên tivi lúc họ đi sự kiện, đi thảm đỏ. Diễn xong một cái, Trọng bật dậy người bốc khói nghi ngút và run lập cập vì rét, nghe nói sau đó về Hà Nội một cái cũng ốm luôn. Chuyện thứ ba là mình bị rơi chiếc điện thoại trong rừng, lúc đó điện thoại cũng hết pin vậy là chẳng còn đường tìm. Mình, Phương và mọi người cứ lục mãi trong các lùm cây gần đoàn, nhưng rừng là rừng mà. Sau đó mình còn phát hiện rừng còn nuốt mất một số đồ đạc khác của mình, trong đó có chiếc ô và bình nước yêu quý.
Quay xong cảnh Trọng ngâm nước mưa rét buốt, đoàn phim đóng máy và thu dọn đồ đợi xe đón về nhà nghỉ. Nhưng cũng phải đợi cỡ nửa tiếng, chúng mình ngồi xổm trên con đường nhỏ giữa khu rừng, chẳng có đèn đóm, chỉ có mưa phùn, một vài đốm khói thuốc, gió rét và tiếng nói chuyện rì rầm.
Trong rừng có vắt và muỗi, vì thế mỗi ngày chúng mình bôi rất nhiều dầu và kem bôi chống vắt. Khu rừng lúc đầu còn nhiều thú vị, sau dần, mình từ bỏ ước mơ lớn lên về sống trong rừng như Tarzan hồi bé (nhân vật hoạt hình ưa thích của mình). Chuyến đi cho mình làm quen với đội võ thuật, gồm có anh Nhật Anh (sư phụ) và một nhóm các em nhỏ cấp 3 (học trò). Anh Nhật Anh đóng vai tướng quân và phải cầm thanh kiếm nặng 5kg trên tay, đánh võ miệt mài cả ngày. Mình nhớ vào buổi đêm ngày quay cuối cùng, anh Nhật Anh đã cực kì mệt mỏi nhưng vẫn kiên trì diễn theo chỉ đạo của Phương. Đến mức mình không rõ là mặt anh bạc phếch là do make up hay là do đã quá mệt.


Mình chưa bao giờ vẽ đến phát khóc trước đó các bạn ạ. Nhưng điều đó đã xảy ra trên trường quay ở Trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh. Chúng mình làm việc liên tục nhiều ngày không nghỉ, từ trên rừng Cúc Phương rồi về thẳng Hà Nội lúc 3 giờ sáng để quay tiếp trong hội trường. Ngày nào cũng từ 5 giờ sáng đến 1 giờ đêm hôm sau. Buổi sáng đoàn về đến trường Sân Khấu, mình nằm ngủ trên một cái ghế đá trong sân trường vì quá mệt còn Phương vẫn tiếp tục làm việc. Tỉnh dậy, mình tiếp tục hùng hục cả ngày, bê cái này, xếp cái kia, tối đến lại vẽ tiếp các tranh có trong cảnh quay tiếp theo. Hồi đó, mình chưa bao giờ phải đối mặt với một dự án lớn mà chỉ có mỗi mình mình vẽ như vậy. Kì cạch tô vẽ bằng mực đen đến 3 giờ sáng, mình vừa vẽ vừa khóc bởi vì mình chẳng biết có xong nổi trước khi chiếc xe tải đoàn quay cùng các thiết bị đến vào lúc 6 giờ sáng không.

Cuối cùng thì dù chẳng phải là những kiệt tác, nhưng những bức tranh cũng hoàn thành và có mặt trong những cảnh cần thiết của phim, vậy là mình có thể thở phào.
Một bộ phim và rất nhiều kỉ niệm. Khi phim đóng máy, đó là sự giải thoát cho tất cả mọi người trong đoàn, trừ Phương. Bởi vì mọi người có thể nghỉ, nhưng Phương còn phải dựng phim để kịp nộp tốt nghiệp nữa. Cuối cùng thì vào ngày chiếu phim tốt nghiệp, Phương gầy đét và nhăn nhúm như một cái xác ướp, nhưng phim thì đã rực sáng trên màn ảnh lần đầu tiên rồi, ai cũng vui và phấn khởi. “Kẻ mộng mơ” đã tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ của rất nhiều người. Làm phim là một trải nghiệm rất khác đối với một hoạ sĩ minh hoạ như mình. Dù không thể so sánh độ khó, độ vất vả nhưng vẽ một bức tranh chỉ cần một người, làm một bộ phim cần rất nhiều người. Rất nhiều người đó lại phải phối hợp ăn ý, bởi vì một phút bạn không ở đúng vị trí của mình, không làm tốt nhiệm vụ của mình, thì tiền đang đổ đi, công sức của những người khác trong đoàn đang bị phí hoài.

Khi làm việc trong một đoàn làm phim, mình thích nhất khoản đúng giờ, cực kì đúng giờ. Các chị make up bao giờ cũng là người xuất hiện sớm nhất. Và một điều mình thích nữa là: ai làm việc của người nấy, không xen vào chuyên môn của người khác, điều đó đã được tất cả mọi người tuân thủ một cách cực kì chính xác.
Sau khi Phương đạt thủ khoa, bộ phim chìm vào ngăn kéo bàn học hơn một năm. Cho đến khi nhà trường thông báo phim đã được chọn để tham dự Liên Hoan Phim các trường Châu Á tại Bắc Kinh vào tháng 10/2018. Dồn hết tiền kiếm được, chúng mình lên đường để được xem bộ phim đứng cạnh các phim khác trên trường Quốc Tế. Đứng giữa rất nhiều phim hay làm mình há hốc mồm, việc phim của bọn mình đoạt giải là một điều hết sức bất ngờ. Đến tháng 5 năm nay, nhà trường lại thông báo, “Kẻ Mộng Mơ” đã lại âm thầm đoạt giải. Lần này là Giải Nhất Liên hoan phim sinh viên Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.


Hai mùa hè đã trôi qua kể từ ngày mình quyết định tham gia làm phim.
Và “Kẻ mộng mơ” cũng đã trở thành một kí ức mà mình chỉ còn nhớ một số kỉ niệm đẹp về nó mà thôi. Tuy nhiên phim ngắn này đã đánh dấu một trong những quyết định bước ra khỏi vùng “comfort zone” – vùng an toàn của mình. Sau bộ phim, chúng mình có cùng quan điểm rằng: ba tháng làm phim chúng mình đã làm hết sức mình, vắt kiệt tất cả những gì chúng mình có, và rồi cũng học được nhiều thứ hơn vài năm bình thường chỉ đi học và đi làm.
“Kẻ mộng mơ” đã được tạo ra bởi những người mơ mộng. Mơ mộng nhưng phải đóng góp thêm vào rất nhiều tiền, nhiều đêm không ngủ, mồ hôi, nước mắt. Thế nên bây giờ rất khó để chê một phim nào đó, phải cân nhắc rất kĩ, bởi mình đã trải qua sự cực khổ để làm phim rồi. Đằng sau các thước phim là bao nhiêu điều khán giả không được trải nghiệm.
Đến bây giờ, nếu phải vẽ một cái gì đó mà mình không mệt đến phát khóc, có lẽ với mình thì mọi chuyện vẫn hoàn toàn ổn. Vượt qua được cột mốc “Kẻ mộng mơ”, chúng mình đã khám phá thêm được những tiềm năng mới của bản thân và trưởng thành hơn rất nhiều.