Vẽ Báo và Gà với kỹ thuật GLAZING | Watercolor Glazing and Layering

Vậy là series Dạy Nhau Màu Nước của mình trên Youtube đã đến bài thứ 5 rồi! Mình đã nói về các kiểu nét cơ bản, và cách kiểm soát nước với kĩ thuật Wet In Wet. Không biết mọi người đã thành thục với hoạ cụ của mình và làm bài tập về nhà chưa nhỉ? Hôm nay chúng ta sẽ học thêm một kỹ thuật tiếp theo, cực kì hữu dụng để các bạn có thể hoàn thiện tranh màu nước. Đó chính là kỹ thuật chồng lớp: Glazing!

Vậy kỹ thuật này cụ thể như thế nào và nó có tác dụng gì? Toàn bộ đã nằm trong bài học mình nói ở đây:

Để giúp mọi người thực hành hiệu quả, đây là bản nét của gà và báo, nếu mọi người muốn vẽ theo mình nhé ^^

Download file ảnh này bằng cách ấn chuột phải, chọn Save As/ Save Image As…

Một số lưu ý cho mọi người khi sử dụng kỹ thuật này đó là:

1/ Luôn vẽ từ màu sáng đến màu tối: Hãy tính toán trước các lớp màu bạn định vẽ. Và nhớ chừa sáng khi lên khối để tạo ra hiệu quả về ánh sáng nhé.

2/ Sử dụng các màu ”trong” chứ không phải màu ”đục”. Với các hãng màu chuẩn như Holbein, Mijello hay W&N thì sẽ luôn có ký hiệu mô tả tính chất màu Trong hay Đục trên tuýp màu. Màu trong sẽ đem lại hiệu quả cao cho kỹ thuật này, đó chính là vì sao mình luôn khuyên mng dùng màu chất lượng cao, các bạn sẽ thấy được hiệu quả rõ rệt của kỹ thuật màu nước khi sd những màu này.

3/ Kiểm soát lượng nước và đưa bút nhẹ nhàng: nếu không nhiều khả năng bạn sẽ nhấc luôn lớp màu trước đó lên đấy

4/ Điều quan trọng nhất đó là: thử nghiệm thử nghiệm thử nghiệm! Ta không dễ dàng thành công trong chỉ một vài lần vẽ, kể cả các hoạ sĩ nổi tiếng cũng vậy thôi. Vì vậy hãy luyện tập thật nhiều nhé!

Chúc mọi người vẽ thật vui và thoải mái, hẹn gặp lại ở bài sau!

Advertisement

“Một ngày nào đó, những bức tranh sẽ đưa mình thoát ra khỏi đây!”

Nghe ghê gớm nhỉ.

Đó là một trong những caption mình viết trên Instagram vào khoảng năm 2015, khi mình đang ngồi bên bàn vẽ, cố gắng hoàn thiện một project truyện tranh. Mình còn nhớ khi đó mình vẫn còn làm việc với chiếc bàn kính – mà mình không tìm ra tư thế ngồi thoải mái nào với nó, vẫn còn đang nhận việc trên một số trang nước ngoài. Khoảng thời gian mà chỉ có tiền chứ không có niềm vui. Khi đó, mặc dù được khách khen hết lời, chẳng có phàn nàn gì mấy cả, nhưng tâm trạng chung của mình mỗi ngày là: bất mãn với cuộc đời, ha ha. Vậy nên mình đã chán ghét nơi mình đang sống, chán ghét công việc mình đang làm. Mình cũng không hiểu ngoài kiếm tiền và tiết kiệm tiền ra thì mình vẽ để làm gì. Và mình thốt lên:

“Một ngày nào đó, những bức tranh sẽ đưa mình thoát ra khỏi đây!”

Giai đoạn đấy chán lắm, đơ đơ như thế này này!
Photo by: anh Minh Hoàng Dương

Mình đã hi vọng là những bức tranh của mình sẽ đưa mình đến một vị trí nào đó tốt hơn “mình” ở thời điểm đó. Và mình cặm cụi làm.

Sau gần 5 năm nhìn lại, giờ mình đã có thể khẳng định rằng, đúng là những bức tranh đã đưa mình đi khỏi studio bé nhỏ. Nhưng không phải đi thật xa thật xa về mặt địa lí (như mình đã từng tưởng tượng), mà là đi thật sâu vào trong tâm hồn mình, đi thật xa về mặt kiến thức. Bởi trong ba ngày vừa qua, những công việc mình từng làm, đã dẫn mình đến một workshop tuyệt vời, chỉ cách Hà Nội gần 80km. Ở nơi đó, mình đã gặp những anh chị, cô chú vô cùng hiểu biết và dày dạn kinh nghiệm cuộc đời hơn mình rất nhiều. Được cùng suy nghĩ, sáng tạo với họ, mình thấy cần phải cảm ơn những sản phẩm be bé mình từng làm và cảm ơn những anh chị đã cho mình cơ hội để tạo ra chúng. Những thứ mà hồi bắt đầu, mình chỉ nghĩ rằng làm vì niềm vui và đam mê thôi.

Cảm ơn tui bây đã đưa tao đến…
…đây!

Cuộc trò chuyện với những người mới quen đã đưa mình nhớ lại về lí do ban đầu mình tham gia vẽ với Tổ Chức Động Vật Châu Á. Lí do cụ thể là gì nhỉ? Mình không thể nhớ rõ. Liệu có phải do “Brother Bear” là phim hoạt hình yêu thích nhất của mình, vậy nên mình lại càng có tình cảm với các chú gấu ở Việt Nam không? Hay chỉ đơn thuần là hoàn cảnh đưa đẩy thôi? Tóm lại mình cũng chẳng nghĩ ra được lí do cụ thể mà mình vẽ gấu mấy năm vừa rồi, chỉ biết là cứ vẽ gấu là vui vẻ. Mình biết rằng khi mình vẽ cho Tổ Chức Động Vật Châu Á, bằng một cách nào đó, sẽ có thêm người biết về gấu, và từ đó một chú gấu sẽ có được cuộc sống hạnh phúc.

Các anh chị từ khắp nơi trên thế giới cũng có những lí do riêng để gắn bó với những cục bông đen khổng lồ này. Và dù là lí do nhỏ hay to, chúng cũng đã dẫn tất cả mọi người đến một hành trình dài, ngắn thì vài năm, dài thì 10 năm hay từ những ngày đầu hoạt động, tính đến giờ là 21 năm của tổ chức.

Thảo luận vui vẻ và hú hét nhiệt tình. Photo by: anh Minh Hoàng Dương

Trải nghiệm tham gia workshop với các anh chị nước ngoài cũng thật mới lạ đối với mình. Quan điểm chung trong workshop là: càng nhiều càng ít. Dù ý tưởng của bạn có ngốc xít đến đâu, có chả liên quan đến thế nào, thì miễn là bạn đóng góp vào một cách nhiệt tình, thì chẳng sao cả. Một ai đó, với tư duy khác hẳn, từ một văn hoá khác, có thể lắm sẽ bắt được ý tưởng đó và chúng ta cùng nhau xào xáo lại thành một chiến dịch có ý nghĩa. Thế là trong hai ngày liên tục, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, chúng mình làm việc không ngừng để đưa ra hết ý tưởng này đến ý tưởng khác. Từ bánh “Bear-ger King” nhắm đến những người ăn chay, cho đến “Black is the new Black” nhắm đến các bạn yêu thời trang :)) Tóm lại là brainstorm dữ dội ><

Gặp những người mới, những người siêu giỏi và siêu sáng tạo, nhất là lại còn được về với rừng Tam Đảo đã tiếp thêm cho mình một nguồn năng lượng dồi dào. Hi vọng trong năm tới, với nhiều bộ não tâm huyết cộng lại, Tổ Chức Động Vật Châu Á sẽ có nhiều chiến dịch lớn mà mình có thể góp sức vào với các anh chị.

À! Nếu bạn đọc được đến đây thì …cảm ơn nhé! Lí do mà mình viết bài này không chỉ là để khoe về chuyến đi mà còn là để nói rằng: Chúng mình sẽ không biết những bức tranh có thể đưa mình tới đâu, thật sự là không thể biết được. Có những tranh vẽ cặm cụi cũng chẳng đưa ta đến đâu cả, những có những tranh lại đưa ta đi “xa thật xa” lắm. Vậy nên hãy cứ vẽ bằng tất cả tình yêu với cây bút và tâm huyết của tuổi trẻ, đừng nản lòng. Một ngày nào đó, bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh bằng cách này hay cách khác.

Pin đã được nạp đầy! Chuẩn bị khởi động lại và tăng tốc thôi!

The Story Playshop 10/2019 – Tam Đảo Rescue Bear Sanctuary
Photo by: anh Minh Hoàng Dương

Tháng 7 – 2019 : Gặp gỡ

Mình đã bỏ qua chiếc blog tháng sáu bởi nó cũng chẳng có gì nổi bật. Hình như mình đã dành toàn bộ tháng này để tiếp tục gắng sức tổ chức cuộc sống. Có lẽ rằng tháng sáu, tuy chật vật, cũng đã hoàn thành nghĩa vụ của nó, bởi tháng bảy của mình đến rất nhẹ nhàng và vui vẻ.

Tháng bảy có gì nhỉ? Mình nhận được một lời mời làm talkshow, dù cuối cùng nó cũng không thành. Nhưng lúc mới được mời, mình khá hào hứng. Bởi khi bắt đầu chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, mình đôi lúc có tưởng tượng một ngày mình sẽ có một cái talk. Trong tưởng tượng, mình kể câu chuyện của mình (nếu mình có thể kể lại, hẳn đã có một thành công nhất định nào đó đã xảy ra) và bên dưới, mọi người đang chăm chú lắng nghe. Rồi mọi người vỗ tay vì mình kể chuyện vui quá…ha ha. Quả là tưởng tượng, cũng khá thú vị phải không nào.

Vẽ nón cho chị Yến. Mình đã bay bay với ý tưởng về Talkshow như cái nem kia.

Và khi có người đề xuất với mình về một talkshow, mình chỉ cảm thấy: À…nó đến sớm hơn mình tưởng. Mình biết rằng mình cũng chưa hẳn có thành công gì, nên mình chỉ vui vì nó đã đến sớm thôi. Nên khi lời mời đó tự nhiên không thành, mình cũng khá hụt hẫng (tưởng tượng bị nổ bụp như một chiếc bong bóng).

Chưa hụt được bao lâu thì mình lại có thêm những lời động viên và lời mời khác đến liền kề bên nhau. Chà, mình sẽ bình tĩnh tiếp tục làm tốt những việc mình có thể dù cái talkshow nọ có đến hay là không đi chăng nữa.

Mình vẫn rất vui vì chỉ thông qua cụm từ “talkshow”, mình đã kết nối một chút đến một số nghệ sĩ khác và nhận được sự ủng hộ từ phía họ.

Một sự ủng hộ to lớn khác đã đến vào những ngày giữa tháng bảy, đó là từ em Vy ở Sài Gòn. Mình chưa bao giờ nghĩ mình lại có được sự ủng hộ nhiệt huyết đến như thế từ một em nhỏ mình chưa gặp bao giờ. Đọc thư của em, biết được những gì mình làm cũng đem lại được gì đó cho người khác, mình thực sự cảm thấy sung sướng. Cách đó vài hôm, ngồi bên Hồ Tây gió lộng, mình còn đang cố định hình lại mục đích của tất cả những gì mình đang làm. Lá thư của Vy đến thật đúng lúc và có ý nghĩa rất lớn. Chưa kể, Vy còn gửi một rổ quà, mỗi món quà là một chiếc note nho nhỏ.

Đúng vậy đó! Cái này làm mình nhớ đến truyện tranh Maruko, huyền thoại làm nên tuổi thơ của mình.

Tháng bảy nhẹ nhàng là vì công việc của mình khá êm xuôi. Dự án ở Hội An của mình đã bước vào giai đoạn chính: sản xuất. Và mọi thứ diễn ra rất đúng quy trình, với sự ủng hộ và tin tưởng từ phía khách hàng làm mình có động lực khá nhiều. Khi được tin tưởng thì ta càng nên cố gắng đúng không? Bởi ở những ngày đầu này, niềm tin là rất quan trọng. Hãy trân trọng tất cả những người đã đặt lòng tin vào ta ở thời điểm bắt đầu này nhé.

Ngoài ra thì mình cũng hoàn thành được một câu chuyện nhỏ, vài chiếc tranh trong kế hoạch, làm Vlog trở lại…nói chung là êm thấm hơn tháng trước.

Những ngày cuối cùng của tháng bảy, mình đi dự talkshow của Hino: “Grace Under Pleasure; Greed Under Pressure”, nằm trong chuỗi Minishow 01: Landing của Hanoi Indie Troup. Mình đã khá bất ngờ bởi Hino là một cô gái có nguồn năng lượng, mà mình cảm giác là, khá trái ngược với mình (ít nhất là thời điểm bây giờ). Nó không phải là một nguồn năng lượng trái cực, mâu thuẫn nhau, chỉ là một cái gì đó rất khác. Dù sao thì vì không làm được Vlog như mọi khi, mình đã chuyển sang vừa lắng nghe, vừa ghi chép lại những ý chính của buổi nói chuyện. Đúng là mỗi người lại có một câu chuyện “lịch sử hình thành” khác hẳn nhau. Ghi chép một hồi, mình nhận ra là Hino của tuổi 21 và mình của tuổi 26 đã có chung một điểm (dù nhận thức ở hai thời điểm khác nhau trong đời): đó là cảm thấy áp lực của những việc mình đang làm, đặt câu hỏi mình là ai? Và cuối cùng quyết định chọn sống khác đi. Và tất nhiên, cũng như Hino: “Literally, I can’t see shit ahead”, đó cũng là cảm giác của mình khi mình chọn đi con đường này, bây giờ vẫn vậy.

Dù có ra sao…cũng chẳng sao! Méo!

Lâu rồi mới gặp một người khác hẳn mình nhưng cũng có một chút gì đó giông giống mình. Hi vọng là chúng mình có duyên hợp tác. Tháng bảy gặp nhiều người mới với nhiều luồng năng lượng khác nhau quả là thú vị.

Lại tiếp tục đeo khiến giáp! Tháng tám, ta đến đây!

Chuyện vẽ máy – Digital Painting

Gần đây nhân dịp Tired City tổ chức thử thách Vẽ Cổ Tích, mình reup một số tranh minh hoạ truyện cổ tích vẽ cho tạp chí Heritage từ 2016-2018. Những hình minh hoạ trong khoảng thời gian này cũng đánh dấu bước chuyển đổi từ vẽ Digital sang vẽ màu nước của mình.

Một số bạn mong muốn mình làm tutorial vẽ Digital. Tuy nhiên thực sự kiến thức về vẽ Digital của mình chỉ đủ dùng thôi, không đủ để dạy cho ai vì hầu hết là tự học. Hơn nữa đã hơn một năm không còn vẽ với Wacom trên máy tính, giờ đây vẽ Digital và mình đã quá xa cách. Mình hầu như không còn cảm xúc với hình thức vẽ này nữa.

Mình không hề phủ nhận vẻ đẹp và sức mạnh của vẽ Digital bởi đây chính là công cụ đã cùng mình xây dựng sự nghiệp ở thời kì đầu. Nhưng xa mặt là cách lòng mà, đúng với tình người, cũng đúng với hoạ cụ.

Buổi đầu vẽ Digital của mình là từ cấp hai, khi mình mò mẫm vẽ bằng chuột với phần mềm Paint. Lúc đó là thời kì của giấc mơ trở thành Mangaka. Đến đại học, mình có chiếc Wacom Bamboo đầu tiên. Nhưng lúc có nó mình vẫn chưa biết khái niệm vẽ trên Photoshop là gì. Nhớ lại, khi ngắm nhìn những bức tranh của hoạ sĩ Shan Jiang (một người mình từng siêu hâm mộ trên mạng) mình đã không hiểu làm sao người ta có thể vẽ một cụm mây đẹp và ảo diệu đến thế .

POEM – Tranh của Shan Jiang

Lúc đó mình không có khái niệm về layer, cứ thắc mắc sao người ta vẽ kiểu gì trong vắt trong veo vậy. Cho đến khi thầy dạy vẽ Digital của mình, anh Duy, nói: “Dễ mà, có thể làm được trên Photoshop!” Một chân trời mới đã mở ra. Mình không thực sự nhớ rõ lí do tại sao biết đến lớp học của anh Duy. Chỉ nhớ là lúc đó mình đang học những năm cuối ở FPT Arena và phải học 3D để làm đồ án cuối kì: làm phim hoạt hình. Và để làm đc hoạt hình thì trước hết phải vẽ được chút ít concept và thiết kế nhân vật cho dự án. Vậy là mình được anh Duy chỉ và giao bài tập vẽ digital trên Photoshop. Những bức vẽ đầu tiên của mình có dạng như thế này:

Concept cho bài tập cuối kì ở trường – 2014

Kì cuối ở Arena mình vẽ được một ít concept, tuy nhiên chúng chẳng bao giờ trở thành nhân vật hoàn thiện bởi nhóm mình cãi nhau và dự án đổ bể. Dự án kết thúc, khi mông lung với cuộc đời, mình thử đi vẽ game. Lúc đó, phong cách của mình lại đổi thay và buộc phải thích nghi với môi trường làm việc.

Tuy nhiên mình sớm nhận ra game và mình là hai thứ hoàn toàn xa lạ và khác biệt. Chỉ sau 4 tháng, sự nghiệp vẽ game của mình kết thúc.

Mình nghĩ rằng đặc điểm nổi trội của vẽ Digital đó là nó cho phép mình biến đổi không ngừng, nhanh chóng học hỏi được nhiều thứ mới. Đối với mình ở thời điểm chẳng biết bản thân muốn gì và cũng có ít sự lựa chọn nghề nghiệp, kì cạch với Wacom và Photoshop có lẽ là lựa chọn khá phù hợp. Hai công cụ này đã đưa mình đến với bao nhiêu công việc khác nhau. Chúng an ủi, hỗ trợ và hoàn thiện phong cách của mình qua từng job. Vẽ sai hả, bình tĩnh, Ctrl + Z nào!

Nhưng dù có công nhận sự hữu dụng của vẽ digital, mình vẫn được đào tạo từ thuở ban đầu như một hoạ sĩ truyền thống. Nghĩa là từ bé thì vẽ bằng sáp màu, lớn hơn thì là bút chì – cục tẩy, khi luyện thi vào Đại Học thì dùng màu bột,…Tất cả đã trau rèn một thứ gọi là cảm giác của tay trên bề mặt giấy. Thứ cảm giác khó có thể thay thế được này đã buộc mình quay lại với vẽ truyền thống bằng một cách nào đó.

Mở đầu là với mực. Toàn bộ phần nét được vẽ trên giấy và phần màu được hoàn thiện với Photoshop. Và vì thế cách vẽ của mình ở thời điểm năm 2016, khi mình vẽ lần đầu tiên cho tạp chí Heritage, có thể gọi là Mix Media thì đúng hơn là vẽ Digital.

Mình khó có thể xác định lại được lí do mà cách vẽ của mình cứ thay đổi liên tục… Ở giai đoạn tiếp đến của sự nghiệp, mình thậm chí đẩy dần tỉ lệ vẽ tay lên, không chỉ dừng lại ở vẽ nét. Mình sẽ: vẽ sơ dạng tả hình khối và bóng trước bằng màu nước trên giấy, sau đó scan lên Photoshop để tiếp tục đẩy tranh sâu hơn.

Vọc ở bán đảo Sơn Trà – Màu nước và…Digital

Cái cảm giác thiếu vắng chất truyền thống trong tranh khiến mình khó chịu. Và cái cảm giác không đủ khả năng hay trình độ để vẽ y như truyền thống trên Photoshop còn khiến mình khó chịu hơn nữa. Sự bức bối này thúc đẩy mình phải tìm ra cách nào đó…khác.

Những nỗ lực của mình chấm dứt vào cuối năm 2017.

Mình quyết định sẽ hi sinh lợi thế được ấn Ctrl +Z, và quay lại hoàn toàn với phương pháp vẽ truyền thống, vốn nhiều thử thách nhưng dường như gần gũi hơn hẳn về mặt tâm hồn. Mình đã chia tay Digital một cách không hối tiếc dù nó có mang lại các tác phẩm thành công và được mọi người đón nhận khá nống nhiệt.

Ngẫm lại thì mình đã từ bỏ digital để đi theo tiếng gọi của trái tim phải không nhỉ? Vẽ trên máy – Digital painting, với Wacom + Photoshop là một loại hoạ cụ cực kì dễ học và tính ứng dụng cũng cực kì cao. Ở một số ngạch của nghề vẽ, bạn không thể không biết vẽ Digital. Vậy nên, phải nói sao nhỉ? Không biết vẽ Digital cũng hơi thiệt một tí.

Nhưng tất nhiên là, nếu bạn đã biết con tim mình đặt ở đâu, với một chiếc bút lông chẳng hạn, thì cũng chẳng sao cả.

Hãy đi theo tiếng gọi trái tim và vẽ hết sức mình. Bút chì hay Wacom, chúng chỉ là những loại công cụ khác nhau. Quan trọng chính là bản thân mình có đủ kiến thức căn bản về mỹ thuật để điều khiến chúng hay không mà thôi.

Nếu giỏi, thì vẽ bằng gì cũng được.

Hà Nội,

một ngày hè lúc 3h sáng.

Kẻ mộng mơ

Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn sinh viên thân mến!

Bộ phim “Kẻ mộng mơ “ là thành quả của nhiều năm học tập trau dồi kiến thức. Tuy bộ phim chưa đạt được kết quả như những gì em mong đợi, nhưng em nhận thấy rằng quá trình làm ra bộ phim này mới là thành quả em nhận được. Đó là được trải nghiệm và ôn lại những những kiến thức mà các thầy cô đã dạy cho chúng em. Được làm việc với các anh, các chị, các cô chú đi trước để học hỏi thêm rất nhiều điều bổ ích.

Trải qua rất nhiều khó khăn trong việc làm phim để thấy rằng, làm một bộ phim hay không hề đơn giản. Cần nhiều hơn sự tôn trọng, sự nhiệt huyết, sự dũng cảm, tình yêu với nghề với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, và xã hội. Cần nhiều hơn sự quan tâm, tận tình , sự tin tưởng và giúp đỡ của của các thầy cô ,các thế hệ cha anh đi trước để chúng em có cơ hội được đóng góp nhiều điều giá trị tốt đẹp hơn trong tương lai.

Lời kết trong báo cáo tốt nghiệp của Lê Hồng Phương, tháng 6/2017
Phương khảo sát bối cạnh tại Tam Đảo

Nhân dịp phim ngắn “Kẻ Mộng Mơ” của bạn Phương vừa bất ngờ có thêm một giải thưởng nữa, mình muốn viết về trải nghiệm của bản thân mình trong quá trình làm phim ngắn thú vị này. Mùa thu năm 2016, mình gặp Phương lần đầu tiên ở lớp học Visual Comunication của chị Vũ Thu Hương. Qua lời kể của chị Hương và các bạn cùng lớp, mình biết được Phương là một người khá dị, trầm ngâm quá mức bình thường. Đó cũng chính là lí do mà mình tò mò về người bạn này, vì có thể nói, mình là thái cực ngược lại, khá thừa năng lượng.

Nhân có một ý tưởng để làm phim hoạt hình ngắn (ở thời điểm này mình mơ có thể làm được phim hoạt hình), mình chủ động inbox cho Phương để hỏi ý kiến của bạn ấy vì Phương học khoa quay phim ở trường Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Sau rất nhiều thời gian tranh luận qua lại, ý tưởng của mình chìm nghỉm. Lí do là vì Phương quá thẳng thắn khi đưa ra nhận xét khiến cho mình mất cả hứng để làm tiếp. Mình là kiểu người dễ cao trào cảm xúc và cũng dễ xịt cảm xúc nhanh không kém.

Trong thời điểm đó, Phương đang đau đầu chuẩn bị cho bài tốt nghiệp của bạn sau 7 năm mài đũng quần tại trường đại học. Mình còn nhớ trong một buổi cafe tối, bạn đã băn khoăn có nên làm tới cùng với bài tốt nghiệp hay không bởi làm phim tốn cực kì nhiều công sức và tiền bạc. Và mình, một con người rất nhiệt tình khi đụng đến vấn đề xui người khác “liều mạng”, đương nhiên sẽ hô lên quả quyết một câu đại loại như: “Làm chứ! Không sống hết mình thì sống để làm gì?” Tuy nhiên, nếu được quay lại thời gian, có lẽ mình sẽ nói giảm nói tránh hơn, bởi vì vào buổi tối hôm đó, mình vẫn chưa có một khái niệm gì về việc làm phim thực sự sẽ ra sao.

Điều mình rất ấn tượng ở Phương ở thời điểm đó là, mặc dù có vẻ ngoài quoắt queo và tính cách không thể “nhạt nhẽo” hơn trong mắt 90% số người tiếp xúc với bạn, Phương lại là một người có rất nhiều ý tưởng thú vị. Khi Phương nói với mình về việc có ý tưởng làm phim tốt nghiệp, mình không ngờ bạn sẽ gửi cho mình 7-8 cái kịch bản khác hoàn toàn nhau. Mỗi câu chuyện lại hết sức loằng ngoằng theo một cách riêng biệt. Một trong số đó là kịch bản “Kẻ mộng mơ” mà sau không biết bao nhiêu lần chỉnh sửa và cải thiện, cuối cùng đã được dựng thành phim ngắn tốt nghiệp, mang lại cho Phương hai giải thưởng trong khu vực.

Giải thưởng đầu tiên tại Bắc Kinh Trung Quốc
trong khuôn khổ Liên Hoan Phim các Trường Đại Học Châu Á
“Jury’s Special Mention Award” tháng 10/2018

Sau khi làm việc với nhau qua một số công việc nhỏ, Phương mời mình làm hoạ sĩ minh hoạ cho bài tốt nghiệp hết sức quan trọng này. Tò mò, mình đồng ý. Mình cũng muốn thử xem làm một phim ngắn chỉnh chu, kiểu dân chuyên ngành nó sẽ như thế nào. Hơn nữa, trong đội ngũ làm phim tốt nghiệp này còn có chị Hương – giáo viên của mình, một người mình rất ngưỡng mộ bởi kiến thức về hình ảnh của chị ấy. Nào, ta làm phim nào!

Đi khảo sát lần đầu trong rừng Cúc Phương – một trong hai bối cảnh chính của phim

Phim được chị Hương và Phương tính toán rất kỹ, mọi thứ đều phải chính xác về màu sắc, tỉ lệ, bố cục, vì thế công việc của mình cũng khá căng thẳng, thử thách. Mình sẽ vẽ minh hoạ tất cả các tranh có liên quan đến phim, được nhắc đến trong phim và vẽ concept để đội thi công (các bạn làm phim gọi là đội “thiết kế mỹ thuật”) có thể dựng thành bối cảnh quay được.

Tính toán màu của bối cảnh quay dưới sự chỉ đaọ của chị Hương và đạo diễn Phương
Cây cối mua về để trang trí bối cảnh

Mình còn nhớ sau khi vẽ hẳn ra concept xong xuôi rồi, mình phải chạy đôn chạy đáo đi tìm những đồ giống hệt như tính toán. Hồi đó kinh nghiệm thực tế của mình còn rất yếu. Mình không hiểu được sự khác nhau giữa đồ đạc tốt mình sử dụng trong nhà nó khác đồ đạc dùng để đi quay như thế nào. Vì không hiểu mục đích của các đồ đạo cụ này chỉ là để “lên hình”, mình đã tốn nhiều thời gian tìm kiếm và tốn nhiều tiền của Phương để mua nhiều thứ không cần thiết.

Ngoài việc thiết kế bối cảnh quay, mình còn kiêm luôn thiết kế một số đạo cụ đặc biệt. Bối cảnh phim đan xen giữa hiện đại và giả tưởng, nơi có tướng quân, có đaọ chích, có nhà vua,… Vì thế mình cần nghiên cứu lại lịch sử và cố tìm ra cách để chế tạo binh khí, vẽ phục trang để bạn của mình là Thuý Mèo (người phụ trách đồ diễn) có thể may được.

Thuý Mèo phải về làng nón để đặt riêng áo tơi và những chiếc nón có kích thước lớn. Để làm thanh kiếm cho nhân vật tướng quân, mình và Phương đi khắp nơi quanh Hà Nội để hỏi, rồi đi đến các làng nghề rèn dao kéo Đa Sĩ, làng nghề đúc đồng Đại Bái,…Nhưng chẳng nơi đâu nhận làm cả. Thậm chí mọi người còn cười nói là giờ ai làm mấy cái đấy nữa, người ta chỉ nhận làm các đơn hàng đồ thờ mà thôi. Thực ra cũng đúng, cuộc sống mà, tất cả mọi người đều phải làm cái gì mà họ có nuôi sống được bản thân và gia đình, hơi đâu mà làm mấy ý tưởng cỏn con của mấy đứa sinh viên.

Cuối cùng thật may mắn Phương tìm được anh Chế Thành, một chuyên gia chế tạo đạo cụ, anh nhận lời giúp chúng mình.

Trong công cuộc làm phim, mình đã lôi kéo rất nhiều bạn bè của mình tham gia vào trợ giúp và cả gia đình mình nữa. Nghĩ lại thì hầu như tất cả những ai thân thiết với mình đều có góp mặt một chút trong phim này. Mình nhớ cảnh các bạn mình hì hụi tô đạo cụ, cảnh bố và em mình đèo nhau đến hiện trường để mắc dàn bóng đèn lên cây cho mình. Và với cả Phương cũng thế. Phim ngắn, nhưng thời gian, công sức và tiền bạc mà Phương, gia đình, bạn bè đã bỏ ra không hề nhỏ. Mình nhớ rằng chúng mình đã buồn và thất vọng đến như thế nào khi phim ra đời không giống như ý muốn. Vì Phương đã bỏ ra rất nhiều nên kỳ vọng vào bộ phim cũng rất cao.

Mình và Mèo Hoang ở trường quay
Thiết kế hoa văn trên kiếm của chị Giang – bạn cùng học Đại Học với mình
Tháng 4/2017, mình được cầm thành quả của anh Chế Thành trên tay
thực ra thanh kiếm rất nặng, khoảng 5-6kg
Quay trong rừng Cúc Phương

Ở rừng Cúc Phương có ba chuyện mình nhớ nhất. Chuyện thứ nhất là Mèo Hoang – bạn của mình đi giúp đoàn, làm việc quá sức và lên cơn sốt. Chị Trang make up phải lấy vòng bạc của mình đánh gió cho Mèo Hoang và cái vòng đó từ sáng loáng trở thành đen xì xì. Chuyện thứ hai là em Trọng diễn viên phải diễn một cảnh ngồi dưới mưa đêm. Lúc chứng kiến Trọng ngồi diễn và các anh tổ thiết kế mỹ thuật phun nước suối lạnh thẳng vào em, mình mới biết làm diễn viên rất vất vả không sung sướng như mình nhìn trên tivi lúc họ đi sự kiện, đi thảm đỏ. Diễn xong một cái, Trọng bật dậy người bốc khói nghi ngút và run lập cập vì rét, nghe nói sau đó về Hà Nội một cái cũng ốm luôn. Chuyện thứ ba là mình bị rơi chiếc điện thoại trong rừng, lúc đó điện thoại cũng hết pin vậy là chẳng còn đường tìm. Mình, Phương và mọi người cứ lục mãi trong các lùm cây gần đoàn, nhưng rừng là rừng mà. Sau đó mình còn phát hiện rừng còn nuốt mất một số đồ đạc khác của mình, trong đó có chiếc ô và bình nước yêu quý.

Quay xong cảnh Trọng ngâm nước mưa rét buốt, đoàn phim đóng máy và thu dọn đồ đợi xe đón về nhà nghỉ. Nhưng cũng phải đợi cỡ nửa tiếng, chúng mình ngồi xổm trên con đường nhỏ giữa khu rừng, chẳng có đèn đóm, chỉ có mưa phùn, một vài đốm khói thuốc, gió rét và tiếng nói chuyện rì rầm.

Trong rừng có vắt và muỗi, vì thế mỗi ngày chúng mình bôi rất nhiều dầu và kem bôi chống vắt. Khu rừng lúc đầu còn nhiều thú vị, sau dần, mình từ bỏ ước mơ lớn lên về sống trong rừng như Tarzan hồi bé (nhân vật hoạt hình ưa thích của mình). Chuyến đi cho mình làm quen với đội võ thuật, gồm có anh Nhật Anh (sư phụ) và một nhóm các em nhỏ cấp 3 (học trò). Anh Nhật Anh đóng vai tướng quân và phải cầm thanh kiếm nặng 5kg trên tay, đánh võ miệt mài cả ngày. Mình nhớ vào buổi đêm ngày quay cuối cùng, anh Nhật Anh đã cực kì mệt mỏi nhưng vẫn kiên trì diễn theo chỉ đạo của Phương. Đến mức mình không rõ là mặt anh bạc phếch là do make up hay là do đã quá mệt.

Một trong nhiều cảnh quay võ thuật trong rừng Cúc Phương
Làm việc trong rừng Cúc Phương

Mình chưa bao giờ vẽ đến phát khóc trước đó các bạn ạ. Nhưng điều đó đã xảy ra trên trường quay ở Trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh. Chúng mình làm việc liên tục nhiều ngày không nghỉ, từ trên rừng Cúc Phương rồi về thẳng Hà Nội lúc 3 giờ sáng để quay tiếp trong hội trường. Ngày nào cũng từ 5 giờ sáng đến 1 giờ đêm hôm sau. Buổi sáng đoàn về đến trường Sân Khấu, mình nằm ngủ trên một cái ghế đá trong sân trường vì quá mệt còn Phương vẫn tiếp tục làm việc. Tỉnh dậy, mình tiếp tục hùng hục cả ngày, bê cái này, xếp cái kia, tối đến lại vẽ tiếp các tranh có trong cảnh quay tiếp theo. Hồi đó, mình chưa bao giờ phải đối mặt với một dự án lớn mà chỉ có mỗi mình mình vẽ như vậy. Kì cạch tô vẽ bằng mực đen đến 3 giờ sáng, mình vừa vẽ vừa khóc bởi vì mình chẳng biết có xong nổi trước khi chiếc xe tải đoàn quay cùng các thiết bị đến vào lúc 6 giờ sáng không.

Mình còn vẽ storyboard cho các cảnh quan trọng trong phim nữa

Cuối cùng thì dù chẳng phải là những kiệt tác, nhưng những bức tranh cũng hoàn thành và có mặt trong những cảnh cần thiết của phim, vậy là mình có thể thở phào.

Một bộ phim và rất nhiều kỉ niệm. Khi phim đóng máy, đó là sự giải thoát cho tất cả mọi người trong đoàn, trừ Phương. Bởi vì mọi người có thể nghỉ, nhưng Phương còn phải dựng phim để kịp nộp tốt nghiệp nữa. Cuối cùng thì vào ngày chiếu phim tốt nghiệp, Phương gầy đét và nhăn nhúm như một cái xác ướp, nhưng phim thì đã rực sáng trên màn ảnh lần đầu tiên rồi, ai cũng vui và phấn khởi. “Kẻ mộng mơ” đã tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ của rất nhiều người. Làm phim là một trải nghiệm rất khác đối với một hoạ sĩ minh hoạ như mình. Dù không thể so sánh độ khó, độ vất vả nhưng vẽ một bức tranh chỉ cần một người, làm một bộ phim cần rất nhiều người. Rất nhiều người đó lại phải phối hợp ăn ý, bởi vì một phút bạn không ở đúng vị trí của mình, không làm tốt nhiệm vụ của mình, thì tiền đang đổ đi, công sức của những người khác trong đoàn đang bị phí hoài.

Khi làm việc trong một đoàn làm phim, mình thích nhất khoản đúng giờ, cực kì đúng giờ. Các chị make up bao giờ cũng là người xuất hiện sớm nhất. Và một điều mình thích nữa là: ai làm việc của người nấy, không xen vào chuyên môn của người khác, điều đó đã được tất cả mọi người tuân thủ một cách cực kì chính xác.

Sau khi Phương đạt thủ khoa, bộ phim chìm vào ngăn kéo bàn học hơn một năm. Cho đến khi nhà trường thông báo phim đã được chọn để tham dự Liên Hoan Phim các trường Châu Á tại Bắc Kinh vào tháng 10/2018. Dồn hết tiền kiếm được, chúng mình lên đường để được xem bộ phim đứng cạnh các phim khác trên trường Quốc Tế. Đứng giữa rất nhiều phim hay làm mình há hốc mồm, việc phim của bọn mình đoạt giải là một điều hết sức bất ngờ. Đến tháng 5 năm nay, nhà trường lại thông báo, “Kẻ Mộng Mơ” đã lại âm thầm đoạt giải. Lần này là Giải Nhất Liên hoan phim sinh viên Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.

Lên nhận giải – Phương bất ngờ tới nỗi quên không mặc bộ vest chuẩn bị trước vì không nghĩ mình được giải

Hai mùa hè đã trôi qua kể từ ngày mình quyết định tham gia làm phim.

Và “Kẻ mộng mơ” cũng đã trở thành một kí ức mà mình chỉ còn nhớ một số kỉ niệm đẹp về nó mà thôi. Tuy nhiên phim ngắn này đã đánh dấu một trong những quyết định bước ra khỏi vùng “comfort zone” – vùng an toàn của mình. Sau bộ phim, chúng mình có cùng quan điểm rằng: ba tháng làm phim chúng mình đã làm hết sức mình, vắt kiệt tất cả những gì chúng mình có, và rồi cũng học được nhiều thứ hơn vài năm bình thường chỉ đi học và đi làm.

“Kẻ mộng mơ” đã được tạo ra bởi những người mơ mộng. Mơ mộng nhưng phải đóng góp thêm vào rất nhiều tiền, nhiều đêm không ngủ, mồ hôi, nước mắt. Thế nên bây giờ rất khó để chê một phim nào đó, phải cân nhắc rất kĩ, bởi mình đã trải qua sự cực khổ để làm phim rồi. Đằng sau các thước phim là bao nhiêu điều khán giả không được trải nghiệm.

Đến bây giờ, nếu phải vẽ một cái gì đó mà mình không mệt đến phát khóc, có lẽ với mình thì mọi chuyện vẫn hoàn toàn ổn. Vượt qua được cột mốc “Kẻ mộng mơ”, chúng mình đã khám phá thêm được những tiềm năng mới của bản thân và trưởng thành hơn rất nhiều.

Thượng Hải – Bầu trời tự do (Phần 2)

(Tiếp từ Phần 1)

Tháng 4 năm 2018, mình tới Thượng Hải và được gặp các thần tượng của mình. Hai ngày workshop dày đặc các bài nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm trong ngành concept art, mỗi bài nói kéo dài khoảng 3 giờ. Buổi tối ngày workshop cuối cùng, chúng mình có một bữa tiệc giao lưu để toàn bộ học viên và các artist có thể nói chuyện thoải mái với nhau.

Nói chung tất cả các artist đều được vây kín bởi rất nhiều người, mọi người xin chữ ký và xin một vài sketch để làm kỉ niệm. Cá nhân mình cảm thấy xin sketch hơi…tham vì ở hội trường có rất nhiều người, ai cũng muốn có được hình vẽ như vậy thì mọi người không tự cảm thấy là thần tượng của mình sẽ bị mệt hay sao? Hàng người xếp hàng chờ xin sketch của chú Kim Jung Gi dài dặc dặc, làm người nổi tiếng thế giới khổ lắm.

Mình đi vòng vòng, vòng vòng quanh hội trường. Ở thời điểm đó, mình nhút nhát và rụt rè hơn bây giờ rất nhiều, mình không chủ động bắt chuyện với ai mà chỉ lặng lẽ quan sát. Một năm trôi qua, giờ khi nghĩ lại mình nhận ra việc đó tự làm mình thiệt thòi. Mình đã bỏ ra một số tiền không nhỏ, vượt qua hàng nghìn km để đến đây nơi rất nhiều người cùng chung sở thích với mình đang đứng trong một căn phòng. Vậy mà mình chỉ im lặng và đứng nhìn họ.

Cuối cùng thì mình cũng lấy được chút can đảm và chia nó ra được ba phần. Phần thứ nhất: Mình nói chuyện với Artgerm.

Artgerm vẽ tặng fan

Sau khi để ý các bạn bu quanh Artgerm chỉ để xin sketch mà chẳng ai trao đổi hay đặt câu hỏi gì cho anh ấy cả, mình mạnh dạn chen vào cùng dòng người với mong muốn được nghe nhận xét về portfolio của mình. Trước chuyến đi thì quả thật mình đã nghiên cứu rất kỹ xem mình có thể làm được gì trong workshop ngoài việc nghe thuyết trình. Và một trong số các lợi ích mà mình muốn tận dụng đó là được nghe nhận xét của những người có chuyên môn về tranh mình vẽ. Portfolio của mình đã được sắp sẵn trong Ipad thành một album riêng nên cũng tiện để Artgerm có thể lướt qua chúng liên tục. Và những gì Artgerm nói với mình đã trở thành một trong những điều mà mình nhớ mãi trong hành trình xây dựng sự nghiệp vẽ:

Trích từ Studio Vlog: 5 điều mình ước đã làm sớm hơn

Phần can đảm thứ hai được sử dụng một cách ngẫu nhiên. Mình muốn nói gì đó với Bobby Chiu, artist mà mình đã đã theo dõi kênh và nghe phỏng vấn trên kênh Youtube trong hai năm. Mình cũng thử vẽ theo sở trường của Bobby đó là “creature design”- thiết kế các loài vật giả tưởng, khi ở Việt Nam. Vì thế mình rất muốn nghe nhận xét của anh ấy về một vài phác thảo mình đã có trong sổ sketch.

Sau khi thoát khỏi nhóm các bạn Trung Quốc vây quanh Artgerm, mình nhìn thấy từ xa xa, anh Bobby đang đứng nói chuyện rôm rả với một nhóm học viên rồi. Vì thế, mình lại rảo bước quanh hội trường và tìm gì đó để làm trong lúc đợi Bobby có thời gian rảnh. Lúc đó, trong một góc phòng, Nicolas Nerimi đang ngồi cùng Kim Hyun Jin – trợ lí và là người chụp ảnh cho Kim Jung Gi. Mình te te bước tới gần gần đó vì thấy có vài bạn cũng đang ở đó nói chuyện rồi. Chú Hyun cực kì hồ hởi và thân thiện (thật sự sốc ha ha), khi thấy mình đang đơ đơ, chú chỉ về phía Nicolas và ra hiệu mình hãy thoải mái nói chuyện đi. Ngại ghê á, chẳng biết nói gì, mình lại xì cái portfolio ra vậy.

Nicolas Nerimi là một người hướng nội, chú nói rất bé và có vẻ gì đó như muốn tránh cái đám đông học viên này ra hết sức có thể (thế nên mình lại càng ngại). Dù sao thì mình cũng ở ngay bên cạnh rồi và mình hỏi xin ý kiến về những tranh mình đã vẽ. Sau khi lướt qua một lượt, Nicolas nói: “Tao thích tranh này m ạ”


Illustrations for Animal Asia Newsletter 2016.

Với những gì mình cảm nhận được qua quan sát bên ngoài, không khó hiểu nếu trong đám tranh của mình, Nicolas lại thích bức tranh này. Bức tranh được vẽ bằng mực trên giấy dành cho News Letter của Animals Asia vào năm 2016. Mội bức tranh hiền và tĩnh lặng, mình đã dành cho nó khá nhiều thời gian và tâm huyết. Để không làm phiền Nicolas, mình cảm ơn và nhanh chóng rời đi. Dù sao thì ở một hội trường với hàng trăm học viên, anh ấy sẽ vất vả đây.

Cuối cùng thì mình cũng có cơ hội để dùng nốt phần can đảm còn sót lại của mình để tiến về phía Bobby Chiu. Nghĩ lại thì có lẽ mình đã run run và nói rất ngập ngừng, chắc là cũng siêu nhạt nhẽo luôn…Một vài nhóm khác có vẻ như đã có một cuộc trao đổi rất thoải mái với anh ấy trong khi mình chỉ có thể nói ra đúng các ý chính mà mình đã cố soạn sẵn trong đầu từ trước. Lướt qua các bản sketch bằng bút chì của mình, Bobby Chiu nhận xét thẳng thắn, chỉ ra những điều không hợp lí trong giải phẫu và cả logic khi mình vẽ các con vật giả tưởng. Chỉ có 1 trong số các sketch được anh ấy khen, đó là bức Spider Daisy:

Mình hỏi Bobby: “Làm thế nào để vẽ được côn trùng trông dễ thương vậy ạ? Tao đã cố thử nhưng chúng có quá nhiều chân và vài đặc điểm không thể nào vẽ dễ thương nổi, tao thấy quá khó…”

Anh ấy trả lời: “Mày thấy khó thì mãi nó cũng sẽ vẫn khó mà thôi, chỉ là mày chưa đào sâu vào tìm hiểu và làm hết sức mình” Vừa trả lời, anh ấy vừa vẽ demo một chú kiến trong sổ sketch của mình.

“Côn trùng vẫn dễ thương như thường nhé!” – đóng khung bức vẽ chú kiến của Bobby Chiu cắt ra từ sổ sketch

Lời khuyên từ những người nổi tiếng trong chuyến đi này đã tác động rất nhiều đến chặng đường mình đi trong những năm tiếp theo. Mình ít nghi ngờ bản thân hơn, ngừng than thở, cố gắng hơn để tìm ra giải pháp mỗi lần đặt bút vẽ.

Suốt thời gian ở workshop, mình được các bạn người Trung Quốc đối xử hết sức nhiệt thành và thân thiện. Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất, chúng mình dùng tiếng Anh làm cầu nối để hiểu nhau. Trước workshop, mình đi bộ khoảng 1km cùng em ngồi cạnh và một bạn học viên khác (chúng mình bắt gặp trên đường – cũng đang đi tìm đồ ăn) để ăn tối. Mình còn làm quen với một nhóm các bạn gái đến từ nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc. Một trong số các bạn tặng mình tranh minh hoạ của bạn ấy, in trên một tấm vải, nằm trong series các ngày lễ truyền thống của văn hoá Trung Hoa.

Ngày lễ thành hôn – Tranh của một hoạ sĩ quên không hỏi tên mất rồi

Hai bạn gái khác mời mình ăn lẩu, trong đó có bạn Snow, người mình có duyên gặp lại ở Bắc Kinh chỉ vài tháng sau đó (mình sẽ viết về chuyến đi này).

Workshop kết thúc, mình ở lại Thượng hải thêm vài ngày và cố gắng đi nhiều nơi nhất có thể, trong đó có Disneyland, nơi mình đã mơ về suốt một thời thơ ấu.

Bài học nhớ đời: luôn xem dự báo thời tiết từng ngày. Hôm ấy trời trở lạnh, nhiệt độ hạ xuống 10 độ C so với hôm trước.
Mình run lập cập suốt cả ngày và cuối cùng phải ra về sớm hơn dự kiến.
Dù sao thì cũng toại nguyện rồi YAYYYYY
Diễu hành Toy Story
Phục trang được thiết kế rất tinh xảo và giống hệt phim
*thả tim thả tim*

Buổi tối ở Thượng Hải rất lung linh và an toàn (mình đã hỏi kỹ các bạn người Trung Quốc, chủ nhà homestay và cả các bạn mình đi du học ở Trung Quốc thì đều nhận được câu trả lời giống vậy). Đường phố thì sạch và bạn có thể thong dong đi bộ một mình trong công viên, vườn hoa lúc 10pm mà chẳng phải sợ điều chi cả. Đi dọc các con phố lỗng lẫy và rộng lớn ở Thượng Hải, mình đã thực sự cảm thấy hạnh phúc. Khi đó mình 24 tuổi, mình đang sống trong giấc mơ của mình. Mình được làm những gì mình thích, mình còn trẻ và khoẻ, cảm tưởng như lúc đó mình là siêu nhân vậy, ha ha.

Bầu trời thật cao và mình thật tự do.

Mình đã rất may mắn có thể cảm nhận được điều đó trong đời, như thể cả thế giới đang đứng về phía mình. Chuyến đi sẽ không thực hiện được nếu mình không có sự ủng hộ của bố mẹ, của bạn bè và công ty. Mình cũng sẽ rất cô đơn nếu như em bé người Trung Quốc đã không chủ động bắt chuyện làm quen và ngồi cạnh mình suốt workshop. Mình sẽ chẳng vui vẻ gì nếu chủ nhà ở homestay mất dạng hoặc điều gì đó tệ hơn thế, nhưng họ luôn có mặt và hỏi xem mình cần gì, một ngày của mình ra sao, mời mình uống rượu vang, nấu cơm cho mình và kể cho mình nghe cuộc sống ở Thượng Hải. Và thật chán nếu mình không gặp Snow, cô bạn nhỏ đáng yêu không nói tiếng Anh, chúng mình nói chuyện với nhau qua Google Translate. Mình còn phát hiện ra chị họ của mình cũng đang ở Thượng Hải, nhờ có chị mà mình có nhiều ảnh đẹp (vì đi một mình chẳng ai cầm máy chụp cho cả), hai chị em cùng uống cafe ở Starbuck lớn nhất thế giới.

Chẳng có ai chụp ảnh cho, mình gài máy ảnh trên một cái cây, đặt bấm giờ và…chạy! Một ngày nắng vỡ đầu…
Shanghai Chenshan Botanical Gardens

Mình có thể đứng một mình ở Thượng Hải là vì luôn có mọi người ở bên mình. Khi chọn một con đường đơn độc để đi, chưa bao giờ mình nghĩ đến tất cả những điều này. Mình chỉ biết đâm đầu vào những gì bản thân muốn. Giờ đây, khi đã trưởng thành hơn một chút, mình cũng cố để thi thoảng có thể là một ngày vui của ai đó, hỗ trợ và hỗ trợ, bởi bản thân mình đã được trao cho rất rất nhiều sự giúp đỡ tuyệt vời.

Nếu có thể, mình sẽ tìm kiếm một “Thượng Hải” khác, lại bước đi trên những con đường gió lồng lộng như buổi tối hôm đó. Một buổi tối tự do, một bầu trời thứ hai. Mà cũng có thể chẳng cần tìm đâu xa, chỉ cần tin vào chính mình và được làm những gì mình muốn, bầu trời ấy đã luôn ở trong tim mình rồi.

Thượng Hải – Bầu trời tự do (Phần 1)

Chuyến đi tới Thượng Hải đánh dấu lần đầu tiên mình đi du lịch một mình.

Không gia đình, không bạn bè, mình đã quyết tâm một mình tới Trung Quốc vì một lí do duy nhất: Schoolism Live Workshop!

Schoolism là một website học vẽ online chuyên về Concept Art cho phim, hoạt hình và game. Đó là một cái gì đó rất khác với hướng đi của mình ở thời điểm bây giờ. Vào thời điểm đó cách đây hai năm, ngay sau khi trở thành một hoạ sĩ minh hoạ tự do, mình rất đam mê tự học trên trang này. Cho dù sau này, công việc cũng như sở thích đã dẫn mình đi theo một hướng hoàn toàn khác với những gì Schoolism cung cấp, mình vẫn học được ở đây rất nhiều kiến thức nền tảng cơ bản.

Đau lòng mà nói, một khoá học trực tuyến ở đây, đối với mình còn giá trị và cô đọng hơn một năm mình đi học ở trường đại học tại Việt Nam.

Tóm lại, ở thời điểm từ 2015 đến 2017, mình theo sát mọi hoạt động của Schoolism: đăng kí học, nghe phỏng vấn trên Youtube và cuối cùng là ngóng chờ một ngày được tham gia LIVE Workshop của họ. Đây là một hoạt động hằng năm của trang này nhằm đưa các nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành Concept Art đi nói chuyện/ giảng dạy vòng quanh thế giới dưới hình thức workshop. Vào năm 2016, Schoolism công bố họ sẽ đưa Singapore vào lịch trình – nơi gần nhất với Việt Nam. Từ khi biết được tin này, mình đã mong ngóng từng ngày và tiết kiệm từng đồng. Một ngày nọ, cách ngày diễn ra sự kiện khoảng 1 tháng, Singapore biến mất khỏi lịch trình trên trang web của Schoolism. Hốt hoảng, mình email cho họ để hỏi xem sao (việc mà một đứa nhát gan như mình bình thường không bao giờ làm). Mình nhận được lời xin lỗi chân thành và lịch sự từ một trong số các nhân viên của Schoolism, nói rằng họ rất tiếc vì không thể tổ chức workshop tại Sing và hẹn mình một ngày không xa (cũng chẳng biết là ngày nào…)

Thư trả lời của Schoolism. Buồn…

Ở thời điểm này, sau nhiều ngày ăn dè, mình đã tiết kiệm được một số tiền, tưởng như chuẩn bị mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn chuẩn bị sang Singapore đến nơi rồi. Vậy mà…Nhắc mới nhớ, sau khi không được đi, mình đã đổ tiền vào Ipad luôn, tóm lại mình không phải kiểu người có thể giữ và có tiền tiết kiệm, một thói quen xấu xí cần sửa đổi gấp.

Tại văn phòng công ty năm 2018

Hơn một năm trôi qua từ ngày ấy. Đầu năm 2018, mình đã đi làm tại một công ty nhỏ, dưới nhiệm vụ vẽ minh hoạ cho các bài giảng Tiếng Anh. Khi mình ngồi trong một cái box ở công ty, yên ấm với công việc tạm gọi là ổn định, Schoolism thông báo họ sẽ tới Trung Quốc. Vì đã không được đi như dự tính một năm trước, mình chớp lấy ngay cơ hội này, dù còn bao nhiêu điều băn khoăn vì mình thực sự chẳng biết đất nước Trung Quốc như thế nào, ngoài những thứ tiêu cực được nghe trên đài báo và mạng xã hội ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trái với dự đoán, gia đình không có dấu hiệu cấm cản, sếp cũng ủng hộ việc đi học và ký cho mình đơn xin nghỉ phép tức thì, còn dặn: “Ngoài chữ ký của anh em còn cần con dấu nữa mới chắc xin được visa nhé, đợi anh một tí!”. Chuyến đi không phải là vấn đề nan giải. Với số tiền kiếm được tại đây, mình cũng không bị bấp bênh về mặt tài chính. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, mình sẽ đến Thượng Hải!

Vé tham dự workshop

Bước chân tới Thượng Hải trong sự hồi hộp xen lẫn lo lo vì phải làm mọi thủ tục một mình, nhưng mình cũng vui vì đã thoát khỏi những nỗi sợ vớ vẩn nhát gan hồi còn thơ bé để đến được đây. Ở Thượng Hải, mọi người không nói tiếng Anh nhan nhản và tốt như mình tưởng. Không phải ai cũng hiểu tiếng Anh và thậm chí đáp lại mình bằng tiếng Anh, vì mình giống người Trung Quốc. Mình còn nhớ nhân viên ở bến tàu Maglev nói với mình: “Nhanh chân lên nào!” hay khi nhân viên ở một quán ăn sang chảnh trong trung tâm thương mại nói: “Mày trông giống người Trung Quốc cơ mà?!” – tất cả bằng tiếng Trung Quốc dù mình hỏi họ bằng tiếng Anh (xem phim chưởng từ hồi bé cũng có lợi, bạn có thể hiểu vài cách diễn đạt cơ bản). Nhưng cũng chẳng sao cả, có lẽ niềm vui và sự tự do khi được du ngoạn ở một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới đã khiến mình bỏ qua hết những thứ linh tinh, để hưởng thụ từng giây phút một khi mình có mặt tại đây.

Buổi tối đầu tiên ở Thượng Hải
Buổi sáng ngày đầu tiên đi học

Ngày đầu tiên ở Schoolism Live Workshop, mình làm quen được với một em nhỏ người Trung Quốc. Em ấy muốn đi du học ở Mỹ vì vậy có thể nói tiếng Anh lưu loát. Mất một lúc, mình mới nhận ra là các bạn người Trung Quốc tham dự sự kiện không cùng đăng ký trên một trang web như mình, các bạn cũng được hướng dẫn đăng kí đặt đồ ăn trưa trong khi mình thì không vì mình có biết tiếng Trung đâu…Trung Quốc là một đất nước hoàn toàn khác biệt với thế giới bên ngoài nên tại đây, mọi thứ mình biết đều không có ý nghĩa gì mấy. Nếu thế giới dùng cái này, thì họ sẽ có cái khác, hoặc một bản sao khác. Nếu mình dùng bộ Adobe, họ sẽ có một bộ phần mềm riêng với một hệ thống khác biệt để sáng tạo dành cho “nội địa”. Dù sao thì, tiếng Anh đã trở thành cầu nối để hai chị em dễ dàng nói chuyện rôm rả với nhau về việc vẽ vời.

Chờ đợi từ rất sớm

Để đi học, mình đi tàu điện ngầm mất 20 phút, sau đó đi bộ thêm 30 phút nữa. Khi tới nơi thì đã có một hàng dài các bạn người Trung Quốc đang đứng đợi giờ mở cửa. Ai cũng ngạc nhiên khi mình nói tiếng Anh, vì với khuôn mặt của mình, họ đinh ninh mình là người Trung Quốc. Thậm chí giờ nghĩ lại, có thể họ đã nghĩ đây là một con bé hâm hâm người Trung Quốc đang nói tiếng Anh mà thôi ha ha.

Hội trường khi đến giờ đông nghịt người. Để mở đầu, người dẫn và cũng là thần tượng của mình anh Bobby Chiu đứng lên giới thiêụ. Nhờ làm quen được với một ai đó để giữ máy ảnh giùm, mình cũng có được vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Nói chung khi đi một mình thì cởi mở thật có lợi, ước gì mình đã có đủ can đảm để làm quen được với nhiều người hơn nữa.

Artgerm Lau là một hoạ sĩ nổi tiếng mà mình đã biết từ trước nhưng không thực sự hâm mộ. Cuối cùng thì suy nghĩ của mình đã thay đổi hẳn khi thấy tác phong chuyên nghiệp của anh ấy trên sân khấu. Thuyết trình xong, anh gọi mọi người lên nói chuyện, ký tặng và chụp selfie, mình cũng lon ton chạy lên.

Chụp ảnh cùng Artgerm

Tiếp đến, hoạ sĩ Kim Jung Gi bước lên sân khấu trong sự hú hét của tất cả mọi người. Chú ấy chẳng nói một tí tiếng Anh nào mà chỉ nói đùa bằng tiếng Hàn rồi cười he he. Được nhìn chú Kim vẽ giống như đi xem show vậy, mọi người đều chăm chú quan sát. Thi thoảng chú sẽ dừng lại và giải thích tại sao lại vẽ góc như thế, cách chú tưởng tượng khối của vật mẫu ra sao và demo bên góc của tờ giấy.

Mình được ngồi khá sát với bục sân khấu để xem chú Kim Jung Gi vẽ. Cái chú đang giữ máy quay như kiểu trợ lí, chú ấy cũng cực kỳ dễ thương thân thiện

Mình nhận thấy hầu hết các bạn Trung Quốc đều thuê máy phiên dịch, tuy nhiên lại chẳng có máy nào dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh cả. Mình và khoảng 15 người khác trong căn phòng là một nhóm nhỏ chỉ nói tiếng Anh, đành lặng lẽ quan sát mà không được dịch những đoạn chú Kim giải thích về quá trình vẽ. Một thiếu sót lớn của ban tổ chức làm mình khá bất ngờ và thất vọng.

Việc không có người phiên dịch tiếp diễn ở ngày thứ hai của workshop, artist hôm đó là Nicolas Nemiri, một hoạ sĩ người Pháp. Mặc dù buổi demo của anh ấy rất thú vị nhưng việc phải đứng nhấp nhổm vài tiếng đồng hồ để hóng một vài người dịch hộ từ tiếng Trung sang tiếng Anh, có lúc chẳng nghe được, không hiểu gì, làm cho sự kiện kém trọn vẹn biết bao nhiêu.

Khi phải xếp hàng mua artbook, người Trung Quốc tất nhiên là đông hơn Việt Nam, còn nguy hiểm cũng không biết là ngang hay hơn kém ra sao. Cảnh tượng 40 quyển artbook của Nicolas Nemiri bay đi trong tích tắc và dòng người lũ lượt chen lấn vẫn ở trong kí ức của mình. Mình mà còn thấy hoảng thì chắc mấy artist nước ngoài cũng hãi lắm. Em nhỏ người Trung Quốc ngồi bên cạnh mình đã quyết tâm chen vào biển người và giành giật để mua một quyển. Trong lúc cô bé ấy tiếp tục đi chiến đấu để mua những món đồ lưu niệm khác (print, pin, .v..v..) mình được thảnh thơi ngồi lướt qua quyển artbook ấy.

Thực ra mình không phải fan cuồng nên không đứng xếp hàng xin chữ kí của chú Kim Jung Gi. Trong khi mọi người chen chức nhau, mình chỉ ngồi ở dưới xem art book của Nicolas Nemiri.

Thế nào mà quay ra quay vào tự dưng thấy cái hàng dài ngoằng ngoặc ấy bỗng nhiên chẳng có ai. Có lẽ sau khi xin chữ ký, mọi người cũng không nói chuyện và chia sẻ được với chú Kim vì chú chỉ nói được tiếng Hàn. Xin chữ ký xong, mọi người tản đi hết để chú ngồi lại một mình. Mình thấy vậy te te chạy tới hỏi chú có muốn chụp tự sướng với mình không. Chú í cực thân thiện, cảm ơn mình thank you rồi xia xỉa các thứ loạn xị (tưởng mình là người Trung Quốc). Thực ra lúc chụp mình ấn nhầm nút quay, quay đi quay lại, ngốc hết chỗ nói. May thay chất lượng video đủ tốt để cắt thành một tấm ảnh kỉ niệm đẹp.

[Còn tiếp…]

Tháng Năm – 2019

Tháng Năm có màu gì? Là màu của cầu vồng.

Tháng Năm trôi đi quá nhanh. Chỉ khi giở lịch Google Calendar ra mình mới nhận thấy tháng Năm đã vội qua mất, vì mình đã làm được rất nhiều việc. Lịch làm việc của mình được phân loại bằng màu, vì vậy tháng Năm của mình có màu như thế này:

Lịch “Cầu Vồng”. Nhiều việc, rất nhiều việc cần làm!
Chắc là những ai dùng Google Calendar sẽ hiểu ^^

Tháng này, mình chú trọng vào cải thiện năng suất lao động. Thay vì dằn vặt bản thân sao không vẽ đẹp hơn, mình chuyển hướng sang đầu tư thời gian vào việc tìm cách “làm việc hiệu quả” hơn. Nói chung, mình đang cố thúc ép bản thân, tìm một hướng đi tích cực hơn là “chỉ đơn giản là vẽ đẹp”. Dù nghe có vẻ hơi thiếu tự nhiên và tự nguyện, nhưng đôi khi ta phải quyết tâm tách mình ra khỏi lối suy nghĩ đã cũ, vốn không còn mang lại niềm vui.

Cách đây 2-3 năm, mình thường mất cả tuần để vẽ xong một bức tranh hoàn thiện. Giờ đây là khoảng 1-2 ngày. Điều này tuy không chứng tỏ mình đã vẽ giỏi lên nhưng nó cho thấy mình bắt đầu biết “phân tích” và “phân loại”. Không phải tranh nào mình cũng đâm đầu vào tỉa tót cho thật khủng. Mình đặt câu hỏi: Mục đích của tranh này là gì? Cách đơn giản và hiệu quả nhất để đạt được mục đích đó là gì?

Khi giở sang phần lịch làm việc tháng Tư trống trải với phần lớn các ô màu trắng, mình nhận ra là mình đã thay đổi khá nhiều chỉ trong một tháng. Đó cũng là lí do mình rất hay rơi vào trạng thái mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng vì chưa quen với cường độ làm việc. Tuy nhiên trong tâm trí thì mình vẫn rất hào hứng, muốn học nhiều cái mới. Thật không dễ để ngừng suy nghĩ về công việc, kể cả trong lúc ngủ.

Chăm chỉ vẽ trên đường đi công tác!

Tháng Năm mang lại cho mình hai cơ hội.

Cơ hội thứ nhất đưa mình gặp những người bạn mới, để thấy mình còn quá nhỏ bé.

Quá trình minh hoạ dành cho video sản xuất bởi studio Ếch Phu Hồ. Video thuộc chiến dịch truyền thông cho website https://banchon.vn/

Các bạn bằng tuổi mình, nhưng đã đi một con đường gai góc từ cách đây 4-5 năm trước rồi. Ở tuổi đôi mươi, nó đòi hỏi một sự can đảm và bền bỉ nhất định. Mình chỉ bắt đầu khi đã trưởng thành hơn về suy nghĩ và vững vàng hơn một chút về cảm xúc, vậy mà nhiều lúc vẫn cảm thấy chưa đủ.

Đồ vẽ mang đến Studio của Ếch Phu Hồ

Cơ hội thứ hai đưa mình đến Hội An, gặp gỡ một gia đình hiện đại và cực kỳ thú vị. Gia đình nhỏ này làm mình nhớ đến chính nhà mình cách đây khoảng 10 năm, khi cả nhà cùng rong ruổi trên những cung đường bằng ô tô. Mình được gặp một bạn nhỏ 4 tuổi có tâm hồn trong vắt, với các loài khủng long, các hành tinh, hệ mặt trời xuất hiện trong mọi câu chuyện và các nét vẽ.

Các bạn khủng long đi tắm biển – Tout Tout vẽ

Hội An của năm nay thật khác, không còn phố mưa chật ních khách du lịch chen chúc, mùi của người của đất của sông bốc lên nồng nặc. Những ngày cuối tháng Năm, Hội An hiện ra là một thành phố đẹp đầy nắng, chứa đầy những câu chuyện, những tích, những biểu tượng, những tên gọi thú vị.

Hội An – Ảnh: Lê Hồng Phương
Thợ làm bạc ở Hội An – Ảnh: Lê Hồng Phương
Đèn lồng – Ảnh: Lê Hồng Phương
Nắng chiều ở Hội An – Ảnh: Lê Hồng Phương

Chuyến đi cuối tháng Năm đã nạp lại năng lượng cho mình. Về lại Hà Nội với studio bé nhỏ, vội vã chen chân vào tháng Sáu, mình tiếp tục làm việc và lên lịch “cầu vồng”. Chuyến đi đã gieo vào mình một mong muốn được di chuyển nhiều hơn. Mỗi ngày ở Hội An, mình muốn vẽ thật nhiều. Không phải là cảm giác khi vẽ trong studio của mình ở Hà Nội, nhiều khi là thách thức và thúc ép. Đó là cảm giác muốn bày tỏ cảm xúc của mình một cách rất tự nhiên, cứ muốn vẽ mà thôi. Mình sẽ nhớ cảm giác ấy và tìm cách để có lại nó thật sớm.

Cảm ơn tháng Năm và các bạn yêu quý.