Đó là một trong những caption mình viết trên Instagram vào khoảng năm 2015, khi mình đang ngồi bên bàn vẽ, cố gắng hoàn thiện một project truyện tranh. Mình còn nhớ khi đó mình vẫn còn làm việc với chiếc bàn kính – mà mình không tìm ra tư thế ngồi thoải mái nào với nó, vẫn còn đang nhận việc trên một số trang nước ngoài. Khoảng thời gian mà chỉ có tiền chứ không có niềm vui. Khi đó, mặc dù được khách khen hết lời, chẳng có phàn nàn gì mấy cả, nhưng tâm trạng chung của mình mỗi ngày là: bất mãn với cuộc đời, ha ha. Vậy nên mình đã chán ghét nơi mình đang sống, chán ghét công việc mình đang làm. Mình cũng không hiểu ngoài kiếm tiền và tiết kiệm tiền ra thì mình vẽ để làm gì. Và mình thốt lên:
“Một ngày nào đó, những bức tranh sẽ đưa mình thoát ra khỏi đây!”
Giai đoạn đấy chán lắm, đơ đơ như thế này này! Photo by: anh Minh Hoàng Dương
Mình đã hi vọng là những bức tranh của mình sẽ đưa mình đến một vị trí nào đó tốt hơn “mình” ở thời điểm đó. Và mình cặm cụi làm.
Sau gần 5 năm nhìn lại, giờ mình đã có thể khẳng định rằng, đúng là những bức tranh đã đưa mình đi khỏi studio bé nhỏ. Nhưng không phải đi thật xa thật xa về mặt địa lí (như mình đã từng tưởng tượng), mà là đi thật sâu vào trong tâm hồn mình, đi thật xa về mặt kiến thức. Bởi trong ba ngày vừa qua, những công việc mình từng làm, đã dẫn mình đến một workshop tuyệt vời, chỉ cách Hà Nội gần 80km. Ở nơi đó, mình đã gặp những anh chị, cô chú vô cùng hiểu biết và dày dạn kinh nghiệm cuộc đời hơn mình rất nhiều. Được cùng suy nghĩ, sáng tạo với họ, mình thấy cần phải cảm ơn những sản phẩm be bé mình từng làm và cảm ơn những anh chị đã cho mình cơ hội để tạo ra chúng. Những thứ mà hồi bắt đầu, mình chỉ nghĩ rằng làm vì niềm vui và đam mê thôi.
Cảm ơn tui bây đã đưa tao đến……đây!
Photo by: anh Minh Hoàng Dương
Cuộc trò chuyện với những người mới quen đã đưa mình nhớ lại về lí do ban đầu mình tham gia vẽ với Tổ Chức Động Vật Châu Á. Lí do cụ thể là gì nhỉ? Mình không thể nhớ rõ. Liệu có phải do “Brother Bear” là phim hoạt hình yêu thích nhất của mình, vậy nên mình lại càng có tình cảm với các chú gấu ở Việt Nam không? Hay chỉ đơn thuần là hoàn cảnh đưa đẩy thôi? Tóm lại mình cũng chẳng nghĩ ra được lí do cụ thể mà mình vẽ gấu mấy năm vừa rồi, chỉ biết là cứ vẽ gấu là vui vẻ. Mình biết rằng khi mình vẽ cho Tổ Chức Động Vật Châu Á, bằng một cách nào đó, sẽ có thêm người biết về gấu, và từ đó một chú gấu sẽ có được cuộc sống hạnh phúc.
Các anh chị từ khắp nơi trên thế giới cũng có những lí do riêng để gắn bó với những cục bông đen khổng lồ này. Và dù là lí do nhỏ hay to, chúng cũng đã dẫn tất cả mọi người đến một hành trình dài, ngắn thì vài năm, dài thì 10 năm hay từ những ngày đầu hoạt động, tính đến giờ là 21 năm của tổ chức.
Thảo luận vui vẻ và hú hét nhiệt tình. Photo by: anh Minh Hoàng Dương
Trải nghiệm tham gia workshop với các anh chị nước ngoài cũng thật mới lạ đối với mình. Quan điểm chung trong workshop là: càng nhiều càng ít. Dù ý tưởng của bạn có ngốc xít đến đâu, có chả liên quan đến thế nào, thì miễn là bạn đóng góp vào một cách nhiệt tình, thì chẳng sao cả. Một ai đó, với tư duy khác hẳn, từ một văn hoá khác, có thể lắm sẽ bắt được ý tưởng đó và chúng ta cùng nhau xào xáo lại thành một chiến dịch có ý nghĩa. Thế là trong hai ngày liên tục, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, chúng mình làm việc không ngừng để đưa ra hết ý tưởng này đến ý tưởng khác. Từ bánh “Bear-ger King” nhắm đến những người ăn chay, cho đến “Black is the new Black” nhắm đến các bạn yêu thời trang :)) Tóm lại là brainstorm dữ dội ><
Gặp những người mới, những người siêu giỏi và siêu sáng tạo, nhất là lại còn được về với rừng Tam Đảo đã tiếp thêm cho mình một nguồn năng lượng dồi dào. Hi vọng trong năm tới, với nhiều bộ não tâm huyết cộng lại, Tổ Chức Động Vật Châu Á sẽ có nhiều chiến dịch lớn mà mình có thể góp sức vào với các anh chị.
À! Nếu bạn đọc được đến đây thì …cảm ơn nhé! Lí do mà mình viết bài này không chỉ là để khoe về chuyến đi mà còn là để nói rằng: Chúng mình sẽ không biết những bức tranh có thể đưa mình tới đâu, thật sự là không thể biết được. Có những tranh vẽ cặm cụi cũng chẳng đưa ta đến đâu cả, những có những tranh lại đưa ta đi “xa thật xa” lắm. Vậy nên hãy cứ vẽ bằng tất cả tình yêu với cây bút và tâm huyết của tuổi trẻ, đừng nản lòng. Một ngày nào đó, bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh bằng cách này hay cách khác.
Pin đã được nạp đầy! Chuẩn bị khởi động lại và tăng tốc thôi!
The Story Playshop 10/2019 – Tam Đảo Rescue Bear Sanctuary Photo by: anh Minh Hoàng Dương
Tháng 4 năm 2018, mình tới Thượng Hải và được gặp các thần tượng của mình. Hai ngày workshop dày đặc các bài nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm trong ngành concept art, mỗi bài nói kéo dài khoảng 3 giờ. Buổi tối ngày workshop cuối cùng, chúng mình có một bữa tiệc giao lưu để toàn bộ học viên và các artist có thể nói chuyện thoải mái với nhau.
Nói chung tất cả các artist đều được vây kín bởi rất nhiều người, mọi người xin chữ ký và xin một vài sketch để làm kỉ niệm. Cá nhân mình cảm thấy xin sketch hơi…tham vì ở hội trường có rất nhiều người, ai cũng muốn có được hình vẽ như vậy thì mọi người không tự cảm thấy là thần tượng của mình sẽ bị mệt hay sao? Hàng người xếp hàng chờ xin sketch của chú Kim Jung Gi dài dặc dặc, làm người nổi tiếng thế giới khổ lắm.
Mình đi vòng vòng, vòng vòng quanh hội trường. Ở thời điểm đó, mình nhút nhát và rụt rè hơn bây giờ rất nhiều, mình không chủ động bắt chuyện với ai mà chỉ lặng lẽ quan sát. Một năm trôi qua, giờ khi nghĩ lại mình nhận ra việc đó tự làm mình thiệt thòi. Mình đã bỏ ra một số tiền không nhỏ, vượt qua hàng nghìn km để đến đây nơi rất nhiều người cùng chung sở thích với mình đang đứng trong một căn phòng. Vậy mà mình chỉ im lặng và đứng nhìn họ.
Cuối cùng thì mình cũng lấy được chút can đảm và chia nó ra được ba phần. Phần thứ nhất: Mình nói chuyện với Artgerm.
Artgerm vẽ tặng fan
Sau khi để ý các bạn bu quanh Artgerm chỉ để xin sketch mà chẳng ai trao đổi hay đặt câu hỏi gì cho anh ấy cả, mình mạnh dạn chen vào cùng dòng người với mong muốn được nghe nhận xét về portfolio của mình. Trước chuyến đi thì quả thật mình đã nghiên cứu rất kỹ xem mình có thể làm được gì trong workshop ngoài việc nghe thuyết trình. Và một trong số các lợi ích mà mình muốn tận dụng đó là được nghe nhận xét của những người có chuyên môn về tranh mình vẽ. Portfolio của mình đã được sắp sẵn trong Ipad thành một album riêng nên cũng tiện để Artgerm có thể lướt qua chúng liên tục. Và những gì Artgerm nói với mình đã trở thành một trong những điều mà mình nhớ mãi trong hành trình xây dựng sự nghiệp vẽ:
Phần can đảm thứ hai được sử dụng một cách ngẫu nhiên. Mình muốn nói gì đó với Bobby Chiu, artist mà mình đã đã theo dõi kênh và nghe phỏng vấn trên kênh Youtube trong hai năm. Mình cũng thử vẽ theo sở trường của Bobby đó là “creature design”- thiết kế các loài vật giả tưởng, khi ở Việt Nam. Vì thế mình rất muốn nghe nhận xét của anh ấy về một vài phác thảo mình đã có trong sổ sketch.
Sau khi thoát khỏi nhóm các bạn Trung Quốc vây quanh Artgerm, mình nhìn thấy từ xa xa, anh Bobby đang đứng nói chuyện rôm rả với một nhóm học viên rồi. Vì thế, mình lại rảo bước quanh hội trường và tìm gì đó để làm trong lúc đợi Bobby có thời gian rảnh. Lúc đó, trong một góc phòng, Nicolas Nerimi đang ngồi cùng Kim Hyun Jin – trợ lí và là người chụp ảnh cho Kim Jung Gi. Mình te te bước tới gần gần đó vì thấy có vài bạn cũng đang ở đó nói chuyện rồi. Chú Hyun cực kì hồ hởi và thân thiện (thật sự sốc ha ha), khi thấy mình đang đơ đơ, chú chỉ về phía Nicolas và ra hiệu mình hãy thoải mái nói chuyện đi. Ngại ghê á, chẳng biết nói gì, mình lại xì cái portfolio ra vậy.
Nicolas Nerimi là một người hướng nội, chú nói rất bé và có vẻ gì đó như muốn tránh cái đám đông học viên này ra hết sức có thể (thế nên mình lại càng ngại). Dù sao thì mình cũng ở ngay bên cạnh rồi và mình hỏi xin ý kiến về những tranh mình đã vẽ. Sau khi lướt qua một lượt, Nicolas nói: “Tao thích tranh này m ạ”
Illustrations for Animal Asia Newsletter 2016.
Với những gì mình cảm nhận được qua quan sát bên ngoài, không khó hiểu nếu trong đám tranh của mình, Nicolas lại thích bức tranh này. Bức tranh được vẽ bằng mực trên giấy dành cho News Letter của Animals Asia vào năm 2016. Mội bức tranh hiền và tĩnh lặng, mình đã dành cho nó khá nhiều thời gian và tâm huyết. Để không làm phiền Nicolas, mình cảm ơn và nhanh chóng rời đi. Dù sao thì ở một hội trường với hàng trăm học viên, anh ấy sẽ vất vả đây.
Cuối cùng thì mình cũng có cơ hội để dùng nốt phần can đảm còn sót lại của mình để tiến về phía Bobby Chiu. Nghĩ lại thì có lẽ mình đã run run và nói rất ngập ngừng, chắc là cũng siêu nhạt nhẽo luôn…Một vài nhóm khác có vẻ như đã có một cuộc trao đổi rất thoải mái với anh ấy trong khi mình chỉ có thể nói ra đúng các ý chính mà mình đã cố soạn sẵn trong đầu từ trước. Lướt qua các bản sketch bằng bút chì của mình, Bobby Chiu nhận xét thẳng thắn, chỉ ra những điều không hợp lí trong giải phẫu và cả logic khi mình vẽ các con vật giả tưởng. Chỉ có 1 trong số các sketch được anh ấy khen, đó là bức Spider Daisy:
Mình hỏi Bobby: “Làm thế nào để vẽ được côn trùng trông dễ thương vậy ạ? Tao đã cố thử nhưng chúng có quá nhiều chân và vài đặc điểm không thể nào vẽ dễ thương nổi, tao thấy quá khó…”
Anh ấy trả lời: “Mày thấy khó thì mãi nó cũng sẽ vẫn khó mà thôi, chỉ là mày chưa đào sâu vào tìm hiểu và làm hết sức mình” Vừa trả lời, anh ấy vừa vẽ demo một chú kiến trong sổ sketch của mình.
“Côn trùng vẫn dễ thương như thường nhé!” – đóng khung bức vẽ chú kiến của Bobby Chiu cắt ra từ sổ sketch
Lời khuyên từ những người nổi tiếng trong chuyến đi này đã tác động rất nhiều đến chặng đường mình đi trong những năm tiếp theo. Mình ít nghi ngờ bản thân hơn, ngừng than thở, cố gắng hơn để tìm ra giải pháp mỗi lần đặt bút vẽ.
Suốt thời gian ở workshop, mình được các bạn người Trung Quốc đối xử hết sức nhiệt thành và thân thiện. Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất, chúng mình dùng tiếng Anh làm cầu nối để hiểu nhau. Trước workshop, mình đi bộ khoảng 1km cùng em ngồi cạnh và một bạn học viên khác (chúng mình bắt gặp trên đường – cũng đang đi tìm đồ ăn) để ăn tối. Mình còn làm quen với một nhóm các bạn gái đến từ nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc. Một trong số các bạn tặng mình tranh minh hoạ của bạn ấy, in trên một tấm vải, nằm trong series các ngày lễ truyền thống của văn hoá Trung Hoa.
Ngày lễ thành hôn – Tranh của một hoạ sĩ quên không hỏi tên mất rồi
Hai bạn gái khác mời mình ăn lẩu, trong đó có bạn Snow, người mình có duyên gặp lại ở Bắc Kinh chỉ vài tháng sau đó (mình sẽ viết về chuyến đi này).
Workshop kết thúc, mình ở lại Thượng hải thêm vài ngày và cố gắng đi nhiều nơi nhất có thể, trong đó có Disneyland, nơi mình đã mơ về suốt một thời thơ ấu.
Bài học nhớ đời: luôn xem dự báo thời tiết từng ngày. Hôm ấy trời trở lạnh, nhiệt độ hạ xuống 10 độ C so với hôm trước. Mình run lập cập suốt cả ngày và cuối cùng phải ra về sớm hơn dự kiến.
Dù sao thì cũng toại nguyện rồi YAYYYYY
Diễu hành Toy StoryPhục trang được thiết kế rất tinh xảo và giống hệt phim*thả tim thả tim*
Buổi tối ở Thượng Hải rất lung linh và an toàn (mình đã hỏi kỹ các bạn người Trung Quốc, chủ nhà homestay và cả các bạn mình đi du học ở Trung Quốc thì đều nhận được câu trả lời giống vậy). Đường phố thì sạch và bạn có thể thong dong đi bộ một mình trong công viên, vườn hoa lúc 10pm mà chẳng phải sợ điều chi cả. Đi dọc các con phố lỗng lẫy và rộng lớn ở Thượng Hải, mình đã thực sự cảm thấy hạnh phúc. Khi đó mình 24 tuổi, mình đang sống trong giấc mơ của mình. Mình được làm những gì mình thích, mình còn trẻ và khoẻ, cảm tưởng như lúc đó mình là siêu nhân vậy, ha ha.
Bầu trời thật cao và mình thật tự do.
Mình đã rất may mắn có thể cảm nhận được điều đó trong đời, như thể cả thế giới đang đứng về phía mình. Chuyến đi sẽ không thực hiện được nếu mình không có sự ủng hộ của bố mẹ, của bạn bè và công ty. Mình cũng sẽ rất cô đơn nếu như em bé người Trung Quốc đã không chủ động bắt chuyện làm quen và ngồi cạnh mình suốt workshop. Mình sẽ chẳng vui vẻ gì nếu chủ nhà ở homestay mất dạng hoặc điều gì đó tệ hơn thế, nhưng họ luôn có mặt và hỏi xem mình cần gì, một ngày của mình ra sao, mời mình uống rượu vang, nấu cơm cho mình và kể cho mình nghe cuộc sống ở Thượng Hải. Và thật chán nếu mình không gặp Snow, cô bạn nhỏ đáng yêu không nói tiếng Anh, chúng mình nói chuyện với nhau qua Google Translate. Mình còn phát hiện ra chị họ của mình cũng đang ở Thượng Hải, nhờ có chị mà mình có nhiều ảnh đẹp (vì đi một mình chẳng ai cầm máy chụp cho cả), hai chị em cùng uống cafe ở Starbuck lớn nhất thế giới.
Chẳng có ai chụp ảnh cho, mình gài máy ảnh trên một cái cây, đặt bấm giờ và…chạy! Một ngày nắng vỡ đầu… Shanghai Chenshan Botanical Gardens
Mình có thể đứng một mình ở Thượng Hải là vì luôn có mọi người ở bên mình. Khi chọn một con đường đơn độc để đi, chưa bao giờ mình nghĩ đến tất cả những điều này. Mình chỉ biết đâm đầu vào những gì bản thân muốn. Giờ đây, khi đã trưởng thành hơn một chút, mình cũng cố để thi thoảng có thể là một ngày vui của ai đó, hỗ trợ và hỗ trợ, bởi bản thân mình đã được trao cho rất rất nhiều sự giúp đỡ tuyệt vời.
Nếu có thể, mình sẽ tìm kiếm một “Thượng Hải” khác, lại bước đi trên những con đường gió lồng lộng như buổi tối hôm đó. Một buổi tối tự do, một bầu trời thứ hai. Mà cũng có thể chẳng cần tìm đâu xa, chỉ cần tin vào chính mình và được làm những gì mình muốn, bầu trời ấy đã luôn ở trong tim mình rồi.
Chuyến đi tới Thượng Hải đánh dấu lần đầu tiên mình đi du lịch một mình.
Không gia đình, không bạn bè, mình đã quyết tâm một mình tới Trung Quốc vì một lí do duy nhất: Schoolism Live Workshop!
Schoolism là một website học vẽ online chuyên về Concept Art cho phim, hoạt hình và game. Đó là một cái gì đó rất khác với hướng đi của mình ở thời điểm bây giờ. Vào thời điểm đó cách đây hai năm, ngay sau khi trở thành một hoạ sĩ minh hoạ tự do, mình rất đam mê tự học trên trang này. Cho dù sau này, công việc cũng như sở thích đã dẫn mình đi theo một hướng hoàn toàn khác với những gì Schoolism cung cấp, mình vẫn học được ở đây rất nhiều kiến thức nền tảng cơ bản.
Đau lòng mà nói, một khoá học trực tuyến ở đây, đối với mình còn giá trị và cô đọng hơn một năm mình đi học ở trường đại học tại Việt Nam.
Tóm lại, ở thời điểm từ 2015 đến 2017, mình theo sát mọi hoạt động của Schoolism: đăng kí học, nghe phỏng vấn trên Youtube và cuối cùng là ngóng chờ một ngày được tham gia LIVE Workshop của họ. Đây là một hoạt động hằng năm của trang này nhằm đưa các nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành Concept Art đi nói chuyện/ giảng dạy vòng quanh thế giới dưới hình thức workshop. Vào năm 2016, Schoolism công bố họ sẽ đưa Singapore vào lịch trình – nơi gần nhất với Việt Nam. Từ khi biết được tin này, mình đã mong ngóng từng ngày và tiết kiệm từng đồng. Một ngày nọ, cách ngày diễn ra sự kiện khoảng 1 tháng, Singapore biến mất khỏi lịch trình trên trang web của Schoolism. Hốt hoảng, mình email cho họ để hỏi xem sao (việc mà một đứa nhát gan như mình bình thường không bao giờ làm). Mình nhận được lời xin lỗi chân thành và lịch sự từ một trong số các nhân viên của Schoolism, nói rằng họ rất tiếc vì không thể tổ chức workshop tại Sing và hẹn mình một ngày không xa (cũng chẳng biết là ngày nào…)
Thư trả lời của Schoolism. Buồn…
Ở thời điểm này, sau nhiều ngày ăn dè, mình đã tiết kiệm được một số tiền, tưởng như chuẩn bị mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn chuẩn bị sang Singapore đến nơi rồi. Vậy mà…Nhắc mới nhớ, sau khi không được đi, mình đã đổ tiền vào Ipad luôn, tóm lại mình không phải kiểu người có thể giữ và có tiền tiết kiệm, một thói quen xấu xí cần sửa đổi gấp.
Tại văn phòng công ty năm 2018
Hơn một năm trôi qua từ ngày ấy. Đầu năm 2018, mình đã đi làm tại một công ty nhỏ, dưới nhiệm vụ vẽ minh hoạ cho các bài giảng Tiếng Anh. Khi mình ngồi trong một cái box ở công ty, yên ấm với công việc tạm gọi là ổn định, Schoolism thông báo họ sẽ tới Trung Quốc. Vì đã không được đi như dự tính một năm trước, mình chớp lấy ngay cơ hội này, dù còn bao nhiêu điều băn khoăn vì mình thực sự chẳng biết đất nước Trung Quốc như thế nào, ngoài những thứ tiêu cực được nghe trên đài báo và mạng xã hội ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trái với dự đoán, gia đình không có dấu hiệu cấm cản, sếp cũng ủng hộ việc đi học và ký cho mình đơn xin nghỉ phép tức thì, còn dặn: “Ngoài chữ ký của anh em còn cần con dấu nữa mới chắc xin được visa nhé, đợi anh một tí!”. Chuyến đi không phải là vấn đề nan giải. Với số tiền kiếm được tại đây, mình cũng không bị bấp bênh về mặt tài chính. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, mình sẽ đến Thượng Hải!
Vé tham dự workshop
Bước chân tới Thượng Hải trong sự hồi hộp xen lẫn lo lo vì phải làm mọi thủ tục một mình, nhưng mình cũng vui vì đã thoát khỏi những nỗi sợ vớ vẩn nhát gan hồi còn thơ bé để đến được đây. Ở Thượng Hải, mọi người không nói tiếng Anh nhan nhản và tốt như mình tưởng. Không phải ai cũng hiểu tiếng Anh và thậm chí đáp lại mình bằng tiếng Anh, vì mình giống người Trung Quốc. Mình còn nhớ nhân viên ở bến tàu Maglev nói với mình: “Nhanh chân lên nào!” hay khi nhân viên ở một quán ăn sang chảnh trong trung tâm thương mại nói: “Mày trông giống người Trung Quốc cơ mà?!” – tất cả bằng tiếng Trung Quốc dù mình hỏi họ bằng tiếng Anh (xem phim chưởng từ hồi bé cũng có lợi, bạn có thể hiểu vài cách diễn đạt cơ bản). Nhưng cũng chẳng sao cả, có lẽ niềm vui và sự tự do khi được du ngoạn ở một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới đã khiến mình bỏ qua hết những thứ linh tinh, để hưởng thụ từng giây phút một khi mình có mặt tại đây.
Buổi tối đầu tiên ở Thượng Hải
Buổi sáng ngày đầu tiên đi học
Ngày đầu tiên ở Schoolism Live Workshop, mình làm quen được với một em nhỏ người Trung Quốc. Em ấy muốn đi du học ở Mỹ vì vậy có thể nói tiếng Anh lưu loát. Mất một lúc, mình mới nhận ra là các bạn người Trung Quốc tham dự sự kiện không cùng đăng ký trên một trang web như mình, các bạn cũng được hướng dẫn đăng kí đặt đồ ăn trưa trong khi mình thì không vì mình có biết tiếng Trung đâu…Trung Quốc là một đất nước hoàn toàn khác biệt với thế giới bên ngoài nên tại đây, mọi thứ mình biết đều không có ý nghĩa gì mấy. Nếu thế giới dùng cái này, thì họ sẽ có cái khác, hoặc một bản sao khác. Nếu mình dùng bộ Adobe, họ sẽ có một bộ phần mềm riêng với một hệ thống khác biệt để sáng tạo dành cho “nội địa”. Dù sao thì, tiếng Anh đã trở thành cầu nối để hai chị em dễ dàng nói chuyện rôm rả với nhau về việc vẽ vời.
Chờ đợi từ rất sớm
Để đi học, mình đi tàu điện ngầm mất 20 phút, sau đó đi bộ thêm 30 phút nữa. Khi tới nơi thì đã có một hàng dài các bạn người Trung Quốc đang đứng đợi giờ mở cửa. Ai cũng ngạc nhiên khi mình nói tiếng Anh, vì với khuôn mặt của mình, họ đinh ninh mình là người Trung Quốc. Thậm chí giờ nghĩ lại, có thể họ đã nghĩ đây là một con bé hâm hâm người Trung Quốc đang nói tiếng Anh mà thôi ha ha.
Hội trường khi đến giờ đông nghịt người. Để mở đầu, người dẫn và cũng là thần tượng của mình anh Bobby Chiu đứng lên giới thiêụ. Nhờ làm quen được với một ai đó để giữ máy ảnh giùm, mình cũng có được vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Nói chung khi đi một mình thì cởi mở thật có lợi, ước gì mình đã có đủ can đảm để làm quen được với nhiều người hơn nữa.
Artgerm Lau là một hoạ sĩ nổi tiếng mà mình đã biết từ trước nhưng không thực sự hâm mộ. Cuối cùng thì suy nghĩ của mình đã thay đổi hẳn khi thấy tác phong chuyên nghiệp của anh ấy trên sân khấu. Thuyết trình xong, anh gọi mọi người lên nói chuyện, ký tặng và chụp selfie, mình cũng lon ton chạy lên.
Chụp ảnh cùng Artgerm
Tiếp đến, hoạ sĩ Kim Jung Gi bước lên sân khấu trong sự hú hét của tất cả mọi người. Chú ấy chẳng nói một tí tiếng Anh nào mà chỉ nói đùa bằng tiếng Hàn rồi cười he he. Được nhìn chú Kim vẽ giống như đi xem show vậy, mọi người đều chăm chú quan sát. Thi thoảng chú sẽ dừng lại và giải thích tại sao lại vẽ góc như thế, cách chú tưởng tượng khối của vật mẫu ra sao và demo bên góc của tờ giấy.
Mình được ngồi khá sát với bục sân khấu để xem chú Kim Jung Gi vẽ. Cái chú đang giữ máy quay như kiểu trợ lí, chú ấy cũng cực kỳ dễ thương thân thiện
Mình nhận thấy hầu hết các bạn Trung Quốc đều thuê máy phiên dịch, tuy nhiên lại chẳng có máy nào dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh cả. Mình và khoảng 15 người khác trong căn phòng là một nhóm nhỏ chỉ nói tiếng Anh, đành lặng lẽ quan sát mà không được dịch những đoạn chú Kim giải thích về quá trình vẽ. Một thiếu sót lớn của ban tổ chức làm mình khá bất ngờ và thất vọng.
Việc không có người phiên dịch tiếp diễn ở ngày thứ hai của workshop, artist hôm đó là Nicolas Nemiri, một hoạ sĩ người Pháp. Mặc dù buổi demo của anh ấy rất thú vị nhưng việc phải đứng nhấp nhổm vài tiếng đồng hồ để hóng một vài người dịch hộ từ tiếng Trung sang tiếng Anh, có lúc chẳng nghe được, không hiểu gì, làm cho sự kiện kém trọn vẹn biết bao nhiêu.
Khi phải xếp hàng mua artbook, người Trung Quốc tất nhiên là đông hơn Việt Nam, còn nguy hiểm cũng không biết là ngang hay hơn kém ra sao. Cảnh tượng 40 quyển artbook của Nicolas Nemiri bay đi trong tích tắc và dòng người lũ lượt chen lấn vẫn ở trong kí ức của mình. Mình mà còn thấy hoảng thì chắc mấy artist nước ngoài cũng hãi lắm. Em nhỏ người Trung Quốc ngồi bên cạnh mình đã quyết tâm chen vào biển người và giành giật để mua một quyển. Trong lúc cô bé ấy tiếp tục đi chiến đấu để mua những món đồ lưu niệm khác (print, pin, .v..v..) mình được thảnh thơi ngồi lướt qua quyển artbook ấy.
Thực ra mình không phải fan cuồng nên không đứng xếp hàng xin chữ kí của chú Kim Jung Gi. Trong khi mọi người chen chức nhau, mình chỉ ngồi ở dưới xem art book của Nicolas Nemiri.
Thế nào mà quay ra quay vào tự dưng thấy cái hàng dài ngoằng ngoặc ấy bỗng nhiên chẳng có ai. Có lẽ sau khi xin chữ ký, mọi người cũng không nói chuyện và chia sẻ được với chú Kim vì chú chỉ nói được tiếng Hàn. Xin chữ ký xong, mọi người tản đi hết để chú ngồi lại một mình. Mình thấy vậy te te chạy tới hỏi chú có muốn chụp tự sướng với mình không. Chú í cực thân thiện, cảm ơn mình thank you rồi xia xỉa các thứ loạn xị (tưởng mình là người Trung Quốc). Thực ra lúc chụp mình ấn nhầm nút quay, quay đi quay lại, ngốc hết chỗ nói. May thay chất lượng video đủ tốt để cắt thành một tấm ảnh kỉ niệm đẹp.