Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng dù sao vẫn phải tiếp tục công việc. Cũng may đôi chút là mình không vẽ bằng Ipad nhiều, nếu không đúng lúc đang chạy job mà gãy tool (thực ra chính là bối cảnh của lần gãy bút đầu tiên), thì quá là dã man…
Hôm nay mình sẽ đập hộp trải nghiệm một tool mới, đó là:
Gaomon không tài trợ cho review này vậy nên mọi người sẽ có những ý kiến thật lòng nhất của mình về chiếc bảng vẽ này nhé.
Đầu năm nay hãng bảng vẽ điện tử Gaomon có gửi email cho mình để gửi tặng bảng vẽ. Thực ra mình thường không nhận các sản phẩm digital, vì như mọi người biết đó, mình vẽ…màu nước là chính. Nhưng mình cũng có đôi chút kinh nghiệm (dù chỉ rất ít thôi) với vẽ digital. Và khi check giá dòng sản phẩm của Gaomon, cũng như của một số hãng khác trên thị trường, mình thấy bảng vẽ giờ rất rẻ (ha ha). Điều đó khiến mình ngậm ngùi cho tuổi thanh xuân khi mình còn trẻ, hãng gần như duy nhất trên thị trường lúc bấy giờ là Wacom, và chiếc bảng vẽ Bamboo cơ bản nhất cũng đã có giá gần 2000k. Tính ra giá bây giờ thì 2000k của 10 năm trước có lẽ bằng 4000k (cíu tôi…). Vào năm 2015 mình còn chịu chơi mua một chiếc Wacom Intuous Pro ở thời điểm đó có giá 10.000k. Cũng như các anh em bạn dì ở thời điểm đó, mình đã xác định sống mái và đầu tư làm nghề như vậy đó. Nhưng giờ đây chỉ dưới 1000k và thậm chí là 500k có khi ai cũng có thể tiếp cận với bảng vẽ và bắt đầu sáng tác, cũng tuyệt phết nhỉ.
Vì thế lần trải nghiệm này có pha đôi chút tò mò và cũng là dành cho các bạn đang theo dõi mình, phần lớn là những người trẻ. Có thể trải nghiệm của mình sẽ có ích cho các bạn khi đang trên đường chọn bạn đồng hành trong những năm tiếp theo ^^ NOTE QUAN TRỌNG: Mình sẽ không so sánh hay review các thông số kỹ thuật của máy vì đơn giản mình không chuyên về mảng này, mọi người cần tìm thêm thông tin và so sánh kỹ hơn khi chọn mua máy nha. Hãy coi review của mình là trải nghiệm của một người rất mới, chỉ đơn giản là vẽ nhiều quen tay, giờ cầm trên tay thiết bị mới thôi.
UPDATE: Sau một tuần xài em bảng vẽ mini này thì mình đã thấy quen dần, và hệ thống phím tắt đơn giản cũng có thể thay thế chiếc chuột. Mặc dù không có quảng cáo dùm brand đâu nhưng mà cũng là một trải nghiệm thú vị.
Lại là mình đây hihi! Mình cảm giác mình viết cái này cho bản thân thì đúng hơn.
Thực ra gần đây mọi post của mình đều lên theo kế hoạch hơn, nghĩa là mình cố gắng soạn ý tưởng và thời gian dự kiến lên bài trước. Nhưng cuối cùng thế nào mình vẫn luôn đột nhiên muốn làm hoặc muốn viết một cái gì đấy, xong muốn up luôn =s= Thói quen đấy thật sự không tốt chút nào. Bài viết mà các bạn đang đọc cũng được tạo ra bởi sự bốc đồng, hờ hờ.
Gần đây mình có nghe một cái podcast nói về sự khác nhau giữa Bản Năng và sự Bốc Đồng mà mình thấy hay ho, mọi người có thể nghe tại Đây.
(podcast nói về chuyện tình cảm là chính nhưng đây cũng là một kênh rất hay nếu ai quan tâm đến cách nhìn nhận cuộc sống của một người phụ nữ tự chủ và mạnh mẽ, đặc biệt khuyên các bạn nữ nên nghe).
Oke quay trở lại chủ đề chính. Mình đã suy nghĩ về việc chính mình cũng đầy sự bốc đồng và bản năng. Như con dao hai lưỡi, và nó trỗi dậy ở tần suất hằng ngày. Đang làm cái này lại xọ cái kia, các ý tưởng nảy lên liên tục, đã nảy lên là làm như điên như dại để rồi tắt ngúm vì kiệt quệ.
Sự bốc đồng cũng khiến mình hay bị rơi vào trạng thái stress không cần thiết. Đương nhiên nó không phải là nguyên nhân chính, nhưng thường là cái xuất phát điểm và rồi kết hợp cùng tổ hợp các yếu tố nội và ngoại cảnh, khiến cho cuộc sống của mình không ngừng biến động (đôi khi là drama…)
Nhưng sự bốc đồng cũng là nguồn nguyên liệu mạnh, kiểu như dầu hoả, đã tiếp thêm năng lượng cho các bản năng tốt của mình. Giờ đây mình thừa nhận điều đó. Khi mình muốn làm cái gì đó tốt đẹp cho thế giới, cho động vật, thiên nhiên (và cuối cùng là cho con người), thì sự bốc đồng khiến các ý tưởng thành hiện thực nhanh hơn nhiều lần. Giúp đỡ người khác, hỗ trợ các artist khác, giúp các bạn bé hơn trên con đường tự lập của họ, làm kênh Youtube,… Sáng nay mình vừa rửa bát vừa nghĩ với bản thân: “Chính vì bà cứ thích làm người hùng kiểu hero đi giúp mọi người với cả thích thể hiện nên bà mới kiệt sức đó :V “
Ờ đúng ha! Nếu trong óc mình mà thường xuyên nghĩ đến hình ảnh chỉ có bản thân mình tận hưởng một cái gì đấy, thì có lẽ kết quả ngoài hiện thực nó sẽ như vậy, sẽ tốt cho cuộc sống của mình hơn, nhất là về mặt tài chánh (ha ha). Nhưng mà bản năng của mình là thích lan toả, thích nhìn thấy mọi người nhận được kết quả từ đấy, thừa nhận điều đó cho nhanh. Vì thế nên giờ đây mình sẽ cố gắng để tìm các hình thức lan toả mà bảo toàn được năng lượng cho mình và vẫn có ích cho mọi người (và thiên nhiên động vật).
Đây là cách mình nhìn nhận bản thân vào khoảng mấy tháng trước rồi vẽ vào sổ, nhìn về quá khứ với một sự cảm thông và yêu thương hơn:
Ngồi chỉnh trang lại Youtube cho một chặng đường mới, nhìn lại hơn 100 (?!) video mình làm, rồi còn làm hết sức tâm huyết nhất trong khả năng, thấy thương mình ghê. Mình của ngày đó đã cố gắng biết bao. Nói thật lòng là giờ chịu đó không làm nổi khối lượng công việc như vậy. Khủng khíp!
Cần phải nghĩ ra những kiểu làm việc mới! Cố gắng lên nào! Hây hây!
Trong lúc đang định viết bài blog này thì mình có đọc được post của bạn Nam (Tired City) khá là hay, có thể hơi đồng quan điểm với mình lúc này, chia sẻ với mọi người luôn nha: Đây na.
Chúc những ai đi ngang qua và đọc bài viết của tui một ngày vui vẻ và thong dong, yêu những gì bạn đang có.
Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn sinh viên thân mến!
Bộ phim “Kẻ mộng mơ “ là thành quả của nhiều năm học tập trau dồi kiến thức. Tuy bộ phim chưa đạt được kết quả như những gì em mong đợi, nhưng em nhận thấy rằng quá trình làm ra bộ phim này mới là thành quả em nhận được. Đó là được trải nghiệm và ôn lại những những kiến thức mà các thầy cô đã dạy cho chúng em. Được làm việc với các anh, các chị, các cô chú đi trước để học hỏi thêm rất nhiều điều bổ ích.
Trải qua rất nhiều khó khăn trong việc làm phim để thấy rằng, làm một bộ phim hay không hề đơn giản. Cần nhiều hơn sự tôn trọng, sự nhiệt huyết, sự dũng cảm, tình yêu với nghề với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, và xã hội. Cần nhiều hơn sự quan tâm, tận tình , sự tin tưởng và giúp đỡ của của các thầy cô ,các thế hệ cha anh đi trước để chúng em có cơ hội được đóng góp nhiều điều giá trị tốt đẹp hơn trong tương lai.
Lời kết trong báo cáo tốt nghiệp của Lê Hồng Phương, tháng 6/2017
Phương khảo sát bối cạnh tại Tam Đảo
Nhân dịp phim ngắn “Kẻ Mộng Mơ” của bạn Phương vừa bất ngờ có thêm một giải thưởng nữa, mình muốn viết về trải nghiệm của bản thân mình trong quá trình làm phim ngắn thú vị này. Mùa thu năm 2016, mình gặp Phương lần đầu tiên ở lớp học Visual Comunication của chị Vũ Thu Hương. Qua lời kể của chị Hương và các bạn cùng lớp, mình biết được Phương là một người khá dị, trầm ngâm quá mức bình thường. Đó cũng chính là lí do mà mình tò mò về người bạn này, vì có thể nói, mình là thái cực ngược lại, khá thừa năng lượng.
Nhân có một ý tưởng để làm phim hoạt hình ngắn (ở thời điểm này mình mơ có thể làm được phim hoạt hình), mình chủ động inbox cho Phương để hỏi ý kiến của bạn ấy vì Phương học khoa quay phim ở trường Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Sau rất nhiều thời gian tranh luận qua lại, ý tưởng của mình chìm nghỉm. Lí do là vì Phương quá thẳng thắn khi đưa ra nhận xét khiến cho mình mất cả hứng để làm tiếp. Mình là kiểu người dễ cao trào cảm xúc và cũng dễ xịt cảm xúc nhanh không kém.
Trong thời điểm đó, Phương đang đau đầu chuẩn bị cho bài tốt nghiệp của bạn sau 7 năm mài đũng quần tại trường đại học. Mình còn nhớ trong một buổi cafe tối, bạn đã băn khoăn có nên làm tới cùng với bài tốt nghiệp hay không bởi làm phim tốn cực kì nhiều công sức và tiền bạc. Và mình, một con người rất nhiệt tình khi đụng đến vấn đề xui người khác “liều mạng”, đương nhiên sẽ hô lên quả quyết một câu đại loại như: “Làm chứ! Không sống hết mình thì sống để làm gì?” Tuy nhiên, nếu được quay lại thời gian, có lẽ mình sẽ nói giảm nói tránh hơn, bởi vì vào buổi tối hôm đó, mình vẫn chưa có một khái niệm gì về việc làm phim thực sự sẽ ra sao.
Điều mình rất ấn tượng ở Phương ở thời điểm đó là, mặc dù có vẻ ngoài quoắt queo và tính cách không thể “nhạt nhẽo” hơn trong mắt 90% số người tiếp xúc với bạn, Phương lại là một người có rất nhiều ý tưởng thú vị. Khi Phương nói với mình về việc có ý tưởng làm phim tốt nghiệp, mình không ngờ bạn sẽ gửi cho mình 7-8 cái kịch bản khác hoàn toàn nhau. Mỗi câu chuyện lại hết sức loằng ngoằng theo một cách riêng biệt. Một trong số đó là kịch bản “Kẻ mộng mơ” mà sau không biết bao nhiêu lần chỉnh sửa và cải thiện, cuối cùng đã được dựng thành phim ngắn tốt nghiệp, mang lại cho Phương hai giải thưởng trong khu vực.
Giải thưởng đầu tiên tại Bắc Kinh Trung Quốc trong khuôn khổ Liên Hoan Phim các Trường Đại Học Châu Á “Jury’s Special Mention Award” tháng 10/2018
Sau khi làm việc với nhau qua một số công việc nhỏ, Phương mời mình làm hoạ sĩ minh hoạ cho bài tốt nghiệp hết sức quan trọng này. Tò mò, mình đồng ý. Mình cũng muốn thử xem làm một phim ngắn chỉnh chu, kiểu dân chuyên ngành nó sẽ như thế nào. Hơn nữa, trong đội ngũ làm phim tốt nghiệp này còn có chị Hương – giáo viên của mình, một người mình rất ngưỡng mộ bởi kiến thức về hình ảnh của chị ấy. Nào, ta làm phim nào!
Đi khảo sát lần đầu trong rừng Cúc Phương – một trong hai bối cảnh chính của phim
Phim được chị Hương và Phương tính toán rất kỹ, mọi thứ đều phải chính xác về màu sắc, tỉ lệ, bố cục, vì thế công việc của mình cũng khá căng thẳng, thử thách. Mình sẽ vẽ minh hoạ tất cả các tranh có liên quan đến phim, được nhắc đến trong phim và vẽ concept để đội thi công (các bạn làm phim gọi là đội “thiết kế mỹ thuật”) có thể dựng thành bối cảnh quay được.
Tính toán màu của bối cảnh quay dưới sự chỉ đaọ của chị Hương và đạo diễn Phương
Cây cối mua về để trang trí bối cảnh
Mình còn nhớ sau khi vẽ hẳn ra concept xong xuôi rồi, mình phải chạy đôn chạy đáo đi tìm những đồ giống hệt như tính toán. Hồi đó kinh nghiệm thực tế của mình còn rất yếu. Mình không hiểu được sự khác nhau giữa đồ đạc tốt mình sử dụng trong nhà nó khác đồ đạc dùng để đi quay như thế nào. Vì không hiểu mục đích của các đồ đạo cụ này chỉ là để “lên hình”, mình đã tốn nhiều thời gian tìm kiếm và tốn nhiều tiền của Phương để mua nhiều thứ không cần thiết.
Ngoài việc thiết kế bối cảnh quay, mình còn kiêm luôn thiết kế một số đạo cụ đặc biệt. Bối cảnh phim đan xen giữa hiện đại và giả tưởng, nơi có tướng quân, có đaọ chích, có nhà vua,… Vì thế mình cần nghiên cứu lại lịch sử và cố tìm ra cách để chế tạo binh khí, vẽ phục trang để bạn của mình là Thuý Mèo (người phụ trách đồ diễn) có thể may được.
Thuý Mèo phải về làng nón để đặt riêng áo tơi và những chiếc nón có kích thước lớn. Để làm thanh kiếm cho nhân vật tướng quân, mình và Phương đi khắp nơi quanh Hà Nội để hỏi, rồi đi đến các làng nghề rèn dao kéo Đa Sĩ, làng nghề đúc đồng Đại Bái,…Nhưng chẳng nơi đâu nhận làm cả. Thậm chí mọi người còn cười nói là giờ ai làm mấy cái đấy nữa, người ta chỉ nhận làm các đơn hàng đồ thờ mà thôi. Thực ra cũng đúng, cuộc sống mà, tất cả mọi người đều phải làm cái gì mà họ có nuôi sống được bản thân và gia đình, hơi đâu mà làm mấy ý tưởng cỏn con của mấy đứa sinh viên.
Cuối cùng thật may mắn Phương tìm được anh Chế Thành, một chuyên gia chế tạo đạo cụ, anh nhận lời giúp chúng mình.
Trong công cuộc làm phim, mình đã lôi kéo rất nhiều bạn bè của mình tham gia vào trợ giúp và cả gia đình mình nữa. Nghĩ lại thì hầu như tất cả những ai thân thiết với mình đều có góp mặt một chút trong phim này. Mình nhớ cảnh các bạn mình hì hụi tô đạo cụ, cảnh bố và em mình đèo nhau đến hiện trường để mắc dàn bóng đèn lên cây cho mình. Và với cả Phương cũng thế. Phim ngắn, nhưng thời gian, công sức và tiền bạc mà Phương, gia đình, bạn bè đã bỏ ra không hề nhỏ. Mình nhớ rằng chúng mình đã buồn và thất vọng đến như thế nào khi phim ra đời không giống như ý muốn. Vì Phương đã bỏ ra rất nhiều nên kỳ vọng vào bộ phim cũng rất cao.
Mình và Mèo Hoang ở trường quayThiết kế hoa văn trên kiếm của chị Giang – bạn cùng học Đại Học với mình
Tháng 4/2017, mình được cầm thành quả của anh Chế Thành trên tay thực ra thanh kiếm rất nặng, khoảng 5-6kg
Quay trong rừng Cúc Phương
Ở rừng Cúc Phương có ba chuyện mình nhớ nhất. Chuyện thứ nhất là Mèo Hoang – bạn của mình đi giúp đoàn, làm việc quá sức và lên cơn sốt. Chị Trang make up phải lấy vòng bạc của mình đánh gió cho Mèo Hoang và cái vòng đó từ sáng loáng trở thành đen xì xì. Chuyện thứ hai là em Trọng diễn viên phải diễn một cảnh ngồi dưới mưa đêm. Lúc chứng kiến Trọng ngồi diễn và các anh tổ thiết kế mỹ thuật phun nước suối lạnh thẳng vào em, mình mới biết làm diễn viên rất vất vả không sung sướng như mình nhìn trên tivi lúc họ đi sự kiện, đi thảm đỏ. Diễn xong một cái, Trọng bật dậy người bốc khói nghi ngút và run lập cập vì rét, nghe nói sau đó về Hà Nội một cái cũng ốm luôn. Chuyện thứ ba là mình bị rơi chiếc điện thoại trong rừng, lúc đó điện thoại cũng hết pin vậy là chẳng còn đường tìm. Mình, Phương và mọi người cứ lục mãi trong các lùm cây gần đoàn, nhưng rừng là rừng mà. Sau đó mình còn phát hiện rừng còn nuốt mất một số đồ đạc khác của mình, trong đó có chiếc ô và bình nước yêu quý.
Quay xong cảnh Trọng ngâm nước mưa rét buốt, đoàn phim đóng máy và thu dọn đồ đợi xe đón về nhà nghỉ. Nhưng cũng phải đợi cỡ nửa tiếng, chúng mình ngồi xổm trên con đường nhỏ giữa khu rừng, chẳng có đèn đóm, chỉ có mưa phùn, một vài đốm khói thuốc, gió rét và tiếng nói chuyện rì rầm.
Trong rừng có vắt và muỗi, vì thế mỗi ngày chúng mình bôi rất nhiều dầu và kem bôi chống vắt. Khu rừng lúc đầu còn nhiều thú vị, sau dần, mình từ bỏ ước mơ lớn lên về sống trong rừng như Tarzan hồi bé (nhân vật hoạt hình ưa thích của mình). Chuyến đi cho mình làm quen với đội võ thuật, gồm có anh Nhật Anh (sư phụ) và một nhóm các em nhỏ cấp 3 (học trò). Anh Nhật Anh đóng vai tướng quân và phải cầm thanh kiếm nặng 5kg trên tay, đánh võ miệt mài cả ngày. Mình nhớ vào buổi đêm ngày quay cuối cùng, anh Nhật Anh đã cực kì mệt mỏi nhưng vẫn kiên trì diễn theo chỉ đạo của Phương. Đến mức mình không rõ là mặt anh bạc phếch là do make up hay là do đã quá mệt.
Một trong nhiều cảnh quay võ thuật trong rừng Cúc Phương
Làm việc trong rừng Cúc Phương
Mình chưa bao giờ vẽ đến phát khóc trước đó các bạn ạ. Nhưng điều đó đã xảy ra trên trường quay ở Trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh. Chúng mình làm việc liên tục nhiều ngày không nghỉ, từ trên rừng Cúc Phương rồi về thẳng Hà Nội lúc 3 giờ sáng để quay tiếp trong hội trường. Ngày nào cũng từ 5 giờ sáng đến 1 giờ đêm hôm sau. Buổi sáng đoàn về đến trường Sân Khấu, mình nằm ngủ trên một cái ghế đá trong sân trường vì quá mệt còn Phương vẫn tiếp tục làm việc. Tỉnh dậy, mình tiếp tục hùng hục cả ngày, bê cái này, xếp cái kia, tối đến lại vẽ tiếp các tranh có trong cảnh quay tiếp theo. Hồi đó, mình chưa bao giờ phải đối mặt với một dự án lớn mà chỉ có mỗi mình mình vẽ như vậy. Kì cạch tô vẽ bằng mực đen đến 3 giờ sáng, mình vừa vẽ vừa khóc bởi vì mình chẳng biết có xong nổi trước khi chiếc xe tải đoàn quay cùng các thiết bị đến vào lúc 6 giờ sáng không.
Mình còn vẽ storyboard cho các cảnh quan trọng trong phim nữa
Cuối cùng thì dù chẳng phải là những kiệt tác, nhưng những bức tranh cũng hoàn thành và có mặt trong những cảnh cần thiết của phim, vậy là mình có thể thở phào.
Một bộ phim và rất nhiều kỉ niệm. Khi phim đóng máy, đó là sự giải thoát cho tất cả mọi người trong đoàn, trừ Phương. Bởi vì mọi người có thể nghỉ, nhưng Phương còn phải dựng phim để kịp nộp tốt nghiệp nữa. Cuối cùng thì vào ngày chiếu phim tốt nghiệp, Phương gầy đét và nhăn nhúm như một cái xác ướp, nhưng phim thì đã rực sáng trên màn ảnh lần đầu tiên rồi, ai cũng vui và phấn khởi. “Kẻ mộng mơ” đã tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ của rất nhiều người. Làm phim là một trải nghiệm rất khác đối với một hoạ sĩ minh hoạ như mình. Dù không thể so sánh độ khó, độ vất vả nhưng vẽ một bức tranh chỉ cần một người, làm một bộ phim cần rất nhiều người. Rất nhiều người đó lại phải phối hợp ăn ý, bởi vì một phút bạn không ở đúng vị trí của mình, không làm tốt nhiệm vụ của mình, thì tiền đang đổ đi, công sức của những người khác trong đoàn đang bị phí hoài.
Khi làm việc trong một đoàn làm phim, mình thích nhất khoản đúng giờ, cực kì đúng giờ. Các chị make up bao giờ cũng là người xuất hiện sớm nhất. Và một điều mình thích nữa là: ai làm việc của người nấy, không xen vào chuyên môn của người khác, điều đó đã được tất cả mọi người tuân thủ một cách cực kì chính xác.
Sau khi Phương đạt thủ khoa, bộ phim chìm vào ngăn kéo bàn học hơn một năm. Cho đến khi nhà trường thông báo phim đã được chọn để tham dự Liên Hoan Phim các trường Châu Á tại Bắc Kinh vào tháng 10/2018. Dồn hết tiền kiếm được, chúng mình lên đường để được xem bộ phim đứng cạnh các phim khác trên trường Quốc Tế. Đứng giữa rất nhiều phim hay làm mình há hốc mồm, việc phim của bọn mình đoạt giải là một điều hết sức bất ngờ. Đến tháng 5 năm nay, nhà trường lại thông báo, “Kẻ Mộng Mơ” đã lại âm thầm đoạt giải. Lần này là Giải Nhất Liên hoan phim sinh viên Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Lên nhận giải – Phương bất ngờ tới nỗi quên không mặc bộ vest chuẩn bị trước vì không nghĩ mình được giải
Hai mùa hè đã trôi qua kể từ ngày mình quyết định tham gia làm phim.
Và “Kẻ mộng mơ” cũng đã trở thành một kí ức mà mình chỉ còn nhớ một số kỉ niệm đẹp về nó mà thôi. Tuy nhiên phim ngắn này đã đánh dấu một trong những quyết định bước ra khỏi vùng “comfort zone” – vùng an toàn của mình. Sau bộ phim, chúng mình có cùng quan điểm rằng: ba tháng làm phim chúng mình đã làm hết sức mình, vắt kiệt tất cả những gì chúng mình có, và rồi cũng học được nhiều thứ hơn vài năm bình thường chỉ đi học và đi làm.
“Kẻ mộng mơ” đã được tạo ra bởi những người mơ mộng. Mơ mộng nhưng phải đóng góp thêm vào rất nhiều tiền, nhiều đêm không ngủ, mồ hôi, nước mắt. Thế nên bây giờ rất khó để chê một phim nào đó, phải cân nhắc rất kĩ, bởi mình đã trải qua sự cực khổ để làm phim rồi. Đằng sau các thước phim là bao nhiêu điều khán giả không được trải nghiệm.
Đến bây giờ, nếu phải vẽ một cái gì đó mà mình không mệt đến phát khóc, có lẽ với mình thì mọi chuyện vẫn hoàn toàn ổn. Vượt qua được cột mốc “Kẻ mộng mơ”, chúng mình đã khám phá thêm được những tiềm năng mới của bản thân và trưởng thành hơn rất nhiều.
Tháng 4 năm 2018, mình tới Thượng Hải và được gặp các thần tượng của mình. Hai ngày workshop dày đặc các bài nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm trong ngành concept art, mỗi bài nói kéo dài khoảng 3 giờ. Buổi tối ngày workshop cuối cùng, chúng mình có một bữa tiệc giao lưu để toàn bộ học viên và các artist có thể nói chuyện thoải mái với nhau.
Nói chung tất cả các artist đều được vây kín bởi rất nhiều người, mọi người xin chữ ký và xin một vài sketch để làm kỉ niệm. Cá nhân mình cảm thấy xin sketch hơi…tham vì ở hội trường có rất nhiều người, ai cũng muốn có được hình vẽ như vậy thì mọi người không tự cảm thấy là thần tượng của mình sẽ bị mệt hay sao? Hàng người xếp hàng chờ xin sketch của chú Kim Jung Gi dài dặc dặc, làm người nổi tiếng thế giới khổ lắm.
Mình đi vòng vòng, vòng vòng quanh hội trường. Ở thời điểm đó, mình nhút nhát và rụt rè hơn bây giờ rất nhiều, mình không chủ động bắt chuyện với ai mà chỉ lặng lẽ quan sát. Một năm trôi qua, giờ khi nghĩ lại mình nhận ra việc đó tự làm mình thiệt thòi. Mình đã bỏ ra một số tiền không nhỏ, vượt qua hàng nghìn km để đến đây nơi rất nhiều người cùng chung sở thích với mình đang đứng trong một căn phòng. Vậy mà mình chỉ im lặng và đứng nhìn họ.
Cuối cùng thì mình cũng lấy được chút can đảm và chia nó ra được ba phần. Phần thứ nhất: Mình nói chuyện với Artgerm.
Artgerm vẽ tặng fan
Sau khi để ý các bạn bu quanh Artgerm chỉ để xin sketch mà chẳng ai trao đổi hay đặt câu hỏi gì cho anh ấy cả, mình mạnh dạn chen vào cùng dòng người với mong muốn được nghe nhận xét về portfolio của mình. Trước chuyến đi thì quả thật mình đã nghiên cứu rất kỹ xem mình có thể làm được gì trong workshop ngoài việc nghe thuyết trình. Và một trong số các lợi ích mà mình muốn tận dụng đó là được nghe nhận xét của những người có chuyên môn về tranh mình vẽ. Portfolio của mình đã được sắp sẵn trong Ipad thành một album riêng nên cũng tiện để Artgerm có thể lướt qua chúng liên tục. Và những gì Artgerm nói với mình đã trở thành một trong những điều mà mình nhớ mãi trong hành trình xây dựng sự nghiệp vẽ:
Phần can đảm thứ hai được sử dụng một cách ngẫu nhiên. Mình muốn nói gì đó với Bobby Chiu, artist mà mình đã đã theo dõi kênh và nghe phỏng vấn trên kênh Youtube trong hai năm. Mình cũng thử vẽ theo sở trường của Bobby đó là “creature design”- thiết kế các loài vật giả tưởng, khi ở Việt Nam. Vì thế mình rất muốn nghe nhận xét của anh ấy về một vài phác thảo mình đã có trong sổ sketch.
Sau khi thoát khỏi nhóm các bạn Trung Quốc vây quanh Artgerm, mình nhìn thấy từ xa xa, anh Bobby đang đứng nói chuyện rôm rả với một nhóm học viên rồi. Vì thế, mình lại rảo bước quanh hội trường và tìm gì đó để làm trong lúc đợi Bobby có thời gian rảnh. Lúc đó, trong một góc phòng, Nicolas Nerimi đang ngồi cùng Kim Hyun Jin – trợ lí và là người chụp ảnh cho Kim Jung Gi. Mình te te bước tới gần gần đó vì thấy có vài bạn cũng đang ở đó nói chuyện rồi. Chú Hyun cực kì hồ hởi và thân thiện (thật sự sốc ha ha), khi thấy mình đang đơ đơ, chú chỉ về phía Nicolas và ra hiệu mình hãy thoải mái nói chuyện đi. Ngại ghê á, chẳng biết nói gì, mình lại xì cái portfolio ra vậy.
Nicolas Nerimi là một người hướng nội, chú nói rất bé và có vẻ gì đó như muốn tránh cái đám đông học viên này ra hết sức có thể (thế nên mình lại càng ngại). Dù sao thì mình cũng ở ngay bên cạnh rồi và mình hỏi xin ý kiến về những tranh mình đã vẽ. Sau khi lướt qua một lượt, Nicolas nói: “Tao thích tranh này m ạ”
Illustrations for Animal Asia Newsletter 2016.
Với những gì mình cảm nhận được qua quan sát bên ngoài, không khó hiểu nếu trong đám tranh của mình, Nicolas lại thích bức tranh này. Bức tranh được vẽ bằng mực trên giấy dành cho News Letter của Animals Asia vào năm 2016. Mội bức tranh hiền và tĩnh lặng, mình đã dành cho nó khá nhiều thời gian và tâm huyết. Để không làm phiền Nicolas, mình cảm ơn và nhanh chóng rời đi. Dù sao thì ở một hội trường với hàng trăm học viên, anh ấy sẽ vất vả đây.
Cuối cùng thì mình cũng có cơ hội để dùng nốt phần can đảm còn sót lại của mình để tiến về phía Bobby Chiu. Nghĩ lại thì có lẽ mình đã run run và nói rất ngập ngừng, chắc là cũng siêu nhạt nhẽo luôn…Một vài nhóm khác có vẻ như đã có một cuộc trao đổi rất thoải mái với anh ấy trong khi mình chỉ có thể nói ra đúng các ý chính mà mình đã cố soạn sẵn trong đầu từ trước. Lướt qua các bản sketch bằng bút chì của mình, Bobby Chiu nhận xét thẳng thắn, chỉ ra những điều không hợp lí trong giải phẫu và cả logic khi mình vẽ các con vật giả tưởng. Chỉ có 1 trong số các sketch được anh ấy khen, đó là bức Spider Daisy:
Mình hỏi Bobby: “Làm thế nào để vẽ được côn trùng trông dễ thương vậy ạ? Tao đã cố thử nhưng chúng có quá nhiều chân và vài đặc điểm không thể nào vẽ dễ thương nổi, tao thấy quá khó…”
Anh ấy trả lời: “Mày thấy khó thì mãi nó cũng sẽ vẫn khó mà thôi, chỉ là mày chưa đào sâu vào tìm hiểu và làm hết sức mình” Vừa trả lời, anh ấy vừa vẽ demo một chú kiến trong sổ sketch của mình.
“Côn trùng vẫn dễ thương như thường nhé!” – đóng khung bức vẽ chú kiến của Bobby Chiu cắt ra từ sổ sketch
Lời khuyên từ những người nổi tiếng trong chuyến đi này đã tác động rất nhiều đến chặng đường mình đi trong những năm tiếp theo. Mình ít nghi ngờ bản thân hơn, ngừng than thở, cố gắng hơn để tìm ra giải pháp mỗi lần đặt bút vẽ.
Suốt thời gian ở workshop, mình được các bạn người Trung Quốc đối xử hết sức nhiệt thành và thân thiện. Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất, chúng mình dùng tiếng Anh làm cầu nối để hiểu nhau. Trước workshop, mình đi bộ khoảng 1km cùng em ngồi cạnh và một bạn học viên khác (chúng mình bắt gặp trên đường – cũng đang đi tìm đồ ăn) để ăn tối. Mình còn làm quen với một nhóm các bạn gái đến từ nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc. Một trong số các bạn tặng mình tranh minh hoạ của bạn ấy, in trên một tấm vải, nằm trong series các ngày lễ truyền thống của văn hoá Trung Hoa.
Ngày lễ thành hôn – Tranh của một hoạ sĩ quên không hỏi tên mất rồi
Hai bạn gái khác mời mình ăn lẩu, trong đó có bạn Snow, người mình có duyên gặp lại ở Bắc Kinh chỉ vài tháng sau đó (mình sẽ viết về chuyến đi này).
Workshop kết thúc, mình ở lại Thượng hải thêm vài ngày và cố gắng đi nhiều nơi nhất có thể, trong đó có Disneyland, nơi mình đã mơ về suốt một thời thơ ấu.
Bài học nhớ đời: luôn xem dự báo thời tiết từng ngày. Hôm ấy trời trở lạnh, nhiệt độ hạ xuống 10 độ C so với hôm trước. Mình run lập cập suốt cả ngày và cuối cùng phải ra về sớm hơn dự kiến.
Dù sao thì cũng toại nguyện rồi YAYYYYY
Diễu hành Toy StoryPhục trang được thiết kế rất tinh xảo và giống hệt phim*thả tim thả tim*
Buổi tối ở Thượng Hải rất lung linh và an toàn (mình đã hỏi kỹ các bạn người Trung Quốc, chủ nhà homestay và cả các bạn mình đi du học ở Trung Quốc thì đều nhận được câu trả lời giống vậy). Đường phố thì sạch và bạn có thể thong dong đi bộ một mình trong công viên, vườn hoa lúc 10pm mà chẳng phải sợ điều chi cả. Đi dọc các con phố lỗng lẫy và rộng lớn ở Thượng Hải, mình đã thực sự cảm thấy hạnh phúc. Khi đó mình 24 tuổi, mình đang sống trong giấc mơ của mình. Mình được làm những gì mình thích, mình còn trẻ và khoẻ, cảm tưởng như lúc đó mình là siêu nhân vậy, ha ha.
Bầu trời thật cao và mình thật tự do.
Mình đã rất may mắn có thể cảm nhận được điều đó trong đời, như thể cả thế giới đang đứng về phía mình. Chuyến đi sẽ không thực hiện được nếu mình không có sự ủng hộ của bố mẹ, của bạn bè và công ty. Mình cũng sẽ rất cô đơn nếu như em bé người Trung Quốc đã không chủ động bắt chuyện làm quen và ngồi cạnh mình suốt workshop. Mình sẽ chẳng vui vẻ gì nếu chủ nhà ở homestay mất dạng hoặc điều gì đó tệ hơn thế, nhưng họ luôn có mặt và hỏi xem mình cần gì, một ngày của mình ra sao, mời mình uống rượu vang, nấu cơm cho mình và kể cho mình nghe cuộc sống ở Thượng Hải. Và thật chán nếu mình không gặp Snow, cô bạn nhỏ đáng yêu không nói tiếng Anh, chúng mình nói chuyện với nhau qua Google Translate. Mình còn phát hiện ra chị họ của mình cũng đang ở Thượng Hải, nhờ có chị mà mình có nhiều ảnh đẹp (vì đi một mình chẳng ai cầm máy chụp cho cả), hai chị em cùng uống cafe ở Starbuck lớn nhất thế giới.
Chẳng có ai chụp ảnh cho, mình gài máy ảnh trên một cái cây, đặt bấm giờ và…chạy! Một ngày nắng vỡ đầu… Shanghai Chenshan Botanical Gardens
Mình có thể đứng một mình ở Thượng Hải là vì luôn có mọi người ở bên mình. Khi chọn một con đường đơn độc để đi, chưa bao giờ mình nghĩ đến tất cả những điều này. Mình chỉ biết đâm đầu vào những gì bản thân muốn. Giờ đây, khi đã trưởng thành hơn một chút, mình cũng cố để thi thoảng có thể là một ngày vui của ai đó, hỗ trợ và hỗ trợ, bởi bản thân mình đã được trao cho rất rất nhiều sự giúp đỡ tuyệt vời.
Nếu có thể, mình sẽ tìm kiếm một “Thượng Hải” khác, lại bước đi trên những con đường gió lồng lộng như buổi tối hôm đó. Một buổi tối tự do, một bầu trời thứ hai. Mà cũng có thể chẳng cần tìm đâu xa, chỉ cần tin vào chính mình và được làm những gì mình muốn, bầu trời ấy đã luôn ở trong tim mình rồi.
Tháng Năm trôi đi quá nhanh. Chỉ khi giở lịch Google Calendar ra mình mới nhận thấy tháng Năm đã vội qua mất, vì mình đã làm được rất nhiều việc. Lịch làm việc của mình được phân loại bằng màu, vì vậy tháng Năm của mình có màu như thế này:
Lịch “Cầu Vồng”. Nhiều việc, rất nhiều việc cần làm! Chắc là những ai dùng Google Calendar sẽ hiểu ^^
Tháng này, mình chú trọng vào cải thiện năng suất lao động. Thay vì dằn vặt bản thân sao không vẽ đẹp hơn, mình chuyển hướng sang đầu tư thời gian vào việc tìm cách “làm việc hiệu quả” hơn. Nói chung, mình đang cố thúc ép bản thân, tìm một hướng đi tích cực hơn là “chỉ đơn giản là vẽ đẹp”. Dù nghe có vẻ hơi thiếu tự nhiên và tự nguyện, nhưng đôi khi ta phải quyết tâm tách mình ra khỏi lối suy nghĩ đã cũ, vốn không còn mang lại niềm vui.
Cách đây 2-3 năm, mình thường mất cả tuần để vẽ xong một bức tranh hoàn thiện. Giờ đây là khoảng 1-2 ngày. Điều này tuy không chứng tỏ mình đã vẽ giỏi lên nhưng nó cho thấy mình bắt đầu biết “phân tích” và “phân loại”. Không phải tranh nào mình cũng đâm đầu vào tỉa tót cho thật khủng. Mình đặt câu hỏi: Mục đích của tranh này là gì? Cách đơn giản và hiệu quả nhất để đạt được mục đích đó là gì?
Khi giở sang phần lịch làm việc tháng Tư trống trải với phần lớn các ô màu trắng, mình nhận ra là mình đã thay đổi khá nhiều chỉ trong một tháng. Đó cũng là lí do mình rất hay rơi vào trạng thái mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng vì chưa quen với cường độ làm việc. Tuy nhiên trong tâm trí thì mình vẫn rất hào hứng, muốn học nhiều cái mới. Thật không dễ để ngừng suy nghĩ về công việc, kể cả trong lúc ngủ.
Chăm chỉ vẽ trên đường đi công tác!
Tháng Năm mang lại cho mình hai cơ hội.
Cơ hội thứ nhất đưa mình gặp những người bạn mới, để thấy mình còn quá nhỏ bé.
Quá trình minh hoạ dành cho video sản xuất bởi studio Ếch Phu Hồ. Video thuộc chiến dịch truyền thông cho website https://banchon.vn/
Các bạn bằng tuổi mình, nhưng đã đi một con đường gai góc từ cách đây 4-5 năm trước rồi. Ở tuổi đôi mươi, nó đòi hỏi một sự can đảm và bền bỉ nhất định. Mình chỉ bắt đầu khi đã trưởng thành hơn về suy nghĩ và vững vàng hơn một chút về cảm xúc, vậy mà nhiều lúc vẫn cảm thấy chưa đủ.
Đồ vẽ mang đến Studio của Ếch Phu Hồ
Cơ hội thứ hai đưa mình đến Hội An, gặp gỡ một gia đình hiện đại và cực kỳ thú vị. Gia đình nhỏ này làm mình nhớ đến chính nhà mình cách đây khoảng 10 năm, khi cả nhà cùng rong ruổi trên những cung đường bằng ô tô. Mình được gặp một bạn nhỏ 4 tuổi có tâm hồn trong vắt, với các loài khủng long, các hành tinh, hệ mặt trời xuất hiện trong mọi câu chuyện và các nét vẽ.
Các bạn khủng long đi tắm biển – Tout Tout vẽ
Hội An của năm nay thật khác, không còn phố mưa chật ních khách du lịch chen chúc, mùi của người của đất của sông bốc lên nồng nặc. Những ngày cuối tháng Năm, Hội An hiện ra là một thành phố đẹp đầy nắng, chứa đầy những câu chuyện, những tích, những biểu tượng, những tên gọi thú vị.
Hội An – Ảnh: Lê Hồng PhươngThợ làm bạc ở Hội An – Ảnh: Lê Hồng PhươngĐèn lồng – Ảnh: Lê Hồng PhươngNắng chiều ở Hội An – Ảnh: Lê Hồng Phương
Chuyến đi cuối tháng Năm đã nạp lại năng lượng cho mình. Về lại Hà Nội với studio bé nhỏ, vội vã chen chân vào tháng Sáu, mình tiếp tục làm việc và lên lịch “cầu vồng”. Chuyến đi đã gieo vào mình một mong muốn được di chuyển nhiều hơn. Mỗi ngày ở Hội An, mình muốn vẽ thật nhiều. Không phải là cảm giác khi vẽ trong studio của mình ở Hà Nội, nhiều khi là thách thức và thúc ép. Đó là cảm giác muốn bày tỏ cảm xúc của mình một cách rất tự nhiên, cứ muốn vẽ mà thôi. Mình sẽ nhớ cảm giác ấy và tìm cách để có lại nó thật sớm.
Có lẽ từ khi mình “đấu tranh” với gia đình để được ở riêng năm mình 23 tuổi, thì Studio của mình cũng được hình thành. Studio bao nhiêu năm cho đến nay vẫn chỉ là một góc học tập nho nhỏ, khi có, khi không gắn liền với chỗ mình sống. Có chăng là đến nay nó đã gọn gàng hơn và tinh giản hơn trước rất nhiều. Mình nghĩ rằng, sự thay đổi của góc học tập này cũng phản chiếu sự thay đổi trong chính con người mình. Khởi đầu là vào năm 2015, mình mở một tiệm gốm tại nhà.
Cửa hàng gốm Dímy – 2015
Để dành chỗ cho phòng bán gốm ở bên ngoài, mình “phải sống” trong Studio của mình, theo nghĩa đen, nghĩa là ngủ ngay sát cạnh bàn học. Và vào thời điểm đó, mình vẫn còn cực kỳ mộng mơ. Mình sưu tầm đủ thứ mà mình thấy dễ thương, lạ kỳ và đặc biệt. Kiểu như một cái cúc áo hay hay, một quả thông, một cái lọ trông có vẻ dị dị,.v.v…Sở thích này khiến Studio của mình lúc nào cũng ngập trong đồ, đồ vẽ, đồ chơi đủ loại (mà mẹ gọi là đồng nát) và sách truyện.
Rồi mình cũng bận vẽ và tiệm gốm phải đóng cửa, mình nhận ra rằng một mình mình không đủ sức cáng đáng cả sự nghiệp và sở thích kinh doanh cùng một lúc. Một lần nữa, Studio lại được biến đổi. Máy tính, máy scan thay thế cho gốm. Ở thời điểm này, khi mở mắt dậy, điều đầu tiên mình nhìn thấy không phải là cái bàn học nữa, chỗ học và chỗ ngủ đã được tách rời.
Cửa hàng gốm đã được thay thế bởi bàn học – 2016
Đến ngày hôm nay, hai phần ba số đồ đạc trong hình đã biến mất, được thay thế bởi những thứ thực dụng hơn là chỉ để trang trí cho đẹp. Ngày đó, có lẽ mình chỉ quan tâm đến cảm giác mình có được khi ở quanh những thứ đồ này, dù mỗi ngày mình có đá phải chân bàn bao nhiêu lần, có phải giữ con mèo tránh khỏi những đồ trang trí hay phát điên vì cố gắng giữ sạch mọi thứ khỏi bụi bẩn nhưng không được.
Phiu Thi bên cửa sổ cạnh bàn học – 2016
Đồ đạc trong Studio cũng đánh dấu những biến chuyển trong phong cách vẽ của mình. Ở thời kỳ đầu, mình chủ yếu vẽ nét (linework) phục vụ trend làm sách tô màu, đột ngột rộ lên vào năm 2016 . Và chiếc bàn kính là một công cụ cũng tạm được, dùng để can nét. Tuy nhiên thực lòng mà nói, mình chưa bao giờ ưa thích chiếc bàn này, không hiểu làm cách nào để ngồi làm việc thoải mái với nó, không hiểu sao những người làm kiến trúc có thể thoải mái làm việc với chiếc bàn này nhỉ? Dù sao thì, chỉ sau một vài tháng sử dụng, chiếc bàn không còn hữu ích với mình nữa và được chuyển ngay cho người khác khi mình đổi dần sang vẽ với Photoshop và tô màu bằng Wacom.
Mình còn nhớ ở thời điểm này, không khí làm việc trong Studio khá là nặng nề. Mình thường chạy deadline nối từ project này sang project khác, làm việc đến 2-3h sáng, thức dậy vào buổi trưa và cố ăn nhanh để tiếp tục làm việc. Món ăn thường xuyên của mình là lườn gà luộc cho thêm chút gia vị và cơm trắng, bữa ăn tối giản không có rau. Đôi khi, mình ăn luôn trên bàn vẽ và vừa ăn vừa làm việc, chẳng tốt cho sức khoẻ chút nào nhỉ. Nhưng khi ta còn trẻ, sức khoẻ là thứ duy nhất ta còn dư thừa. Cũng như bạn bè và những người trẻ khác, mình chẳng quan tâm lắm đến việc chăm sóc bản thân.
Một số lúc, năng lượng trong mình thực sự cạn kiệt. Mình còn nhớ những buổi tối, khoảng 11h, mình ngẩng mặt lên khỏi màn hình máy tính và thấy trời đã tối rồi…Cả ngày mình ở trong phòng và chẳng gặp ai cả. Mình quyết định đi bộ ra ngoài đường, mua một cốc cafe Latte ở tiệm cafe gần nhà. Cầm cốc cafe nóng trên tay, đi bộ ở vườn hoa lúc đó vẫn còn chưa vắng vẻ, mọi người ngồi chơi, rồi người vô gia cư nằm co ro trên các ghế đá,…mình thực sự cảm thấy cực kì trống rỗng. Cuộc sống của mình khi đó không có nhiều liên kết với mọi người, có rất ít lựa chọn để sẻ chia, cũng chẳng chia sẻ mấy với ai. Và vào buổi tối đó, đây là cái mà mình gọi là tự do? Mình đã nghĩ cuộc đời mình lúc đó thực sự cũng chán. Mình vẽ không phải cho mình, cũng kiếm được tiền nhưng chẳng có thời gian tiêu nó vào việc gì ngoài việc nửa đêm ra đường đi bộ mua một cốc cafe và hóng gió…một mình. Vào cuối giai đoạn tù túng đó, mình có tác phẩm đầu tiên được đăng trên báo Heritage. Đây là bước ngoặt mới, bởi sau đó mình bắt đầu nghĩ đến việc bản thân có được gì từ những thứ mình tạo ra. Tại Studio lúc đó, mình đã tận hưởng chiến thắng đầu tiên này…một mình. (Ha ha)
Ngày nhận được tạp chí Heritage có đăng truyện Từ Thức Gặp Tiên do mình minh hoạ – 2016
Năm 2017, trong một nỗ lực giúp một người bạn làm bộ phim để đời (phim tốt nghiệp) của bạn ấy, hầu như toàn bộ đồ đạc trong Studio của mình được chuyển đến rừng Cúc Phương, nơi đặt bối cảnh quay. Một số đồ đã rơi vãi và nằm lại trong rừng, mình chẳng bao giờ còn gặp lại…
Làm việc trong rừng Cúc Phương – 2017
Ra ở riêng tại một căn nhà cũng thuộc sở hữu chung của gia đình thì cũng không hẳn là đấu tranh, và bố mẹ mình thực sự cũng không hề căng thẳng trong vấn đề này. Tuy nhiên đối với mình, tách riêng để cố gắng xây dựng một cuộc sống tự chủ hơn thực sự là một điều quan trọng và mình chưa bao giờ hối hận với điều đó. Thật là may mắn nhỉ, nhưng vào năm 2017, mình không nghĩ như vậy. Lúc đó mình chỉ nghĩ đến việc “hoàn toàn tự lập”. Mình đã quyết tâm ở riêng nơi khác và thâm chí thuê riêng một căn phòng nhỏ xinh, cách chỗ ở tận 10km để làm Studio (phần vì mình không đủ tài chính để thuê gần nhà, phần vì căn phòng nhỏ này là của một người bạn và mình nghĩ rằng có thể hỗ trợ bạn ấy bằng cách thuê lại). Hằng ngày, trên cung đường dài ngoằn ngèo bên Hồ Tây, khoảng cách xa như thế không làm mình nhụt chí. Mình có một em phụ tá dễ thương, có bạn bè – cũng là những học viên đầu tiên tham gia khoá học màu nước của mình.
Studio Hà Nội Bé Bé – 2018Lớp học vẽ gồm toàn bạn bè thân thiết tại Hà Nội Bé Bé – 2018
Vào thời điểm này, mình đã chuyển sang vẽ màu nước, vì vậy toàn bộ hệ thống hoạ cụ đã thay đổi rất nhiều so với Studio cũ. Và với bước chuyển mình này, một suy nghĩ đã dần loé lên, đó là: Mình có thể chia sẻ những gì mình đang làm, với mọi người! Và hệ thống máy ảnh và chân máy dần dần xuất hiện trong Studio, nhưng điều đó cũng tương đương với việc mình phải học rất nhiều thứ mới.
Buổi tối ngủ lại studio để chạy deadline – 2018
Những đêm chạy deadline, mình ngủ lại tại Studio này. Đây không phải là nhà của mình, chỉ là một căn phòng nhỏ lạnh lẽo trên tầng hai của một căn nhà cũ kỹ bên Hồ Tây. Mùa đông lạnh, ẩm thấp và buồn, nhưng cảm hứng làm việc của mình lúc đó đã rất khác so với những ngày cày việc ở Studio cũ. Mình không buồn, không chán, cũng không cảm thấy sợ, chỉ muốn được làm việc nhiều và tốt hơn nữa.
Cuối năm 2018, mình chuyển lại về căn nhà cũ của gia đình. Phần vì lí do tài chính, phần vì nó không phù hợp với việc gặp gỡ với mọi người do địa điểm quá xa xôi. Mình sửa sang lại cái studio từ năm nào, và cho nó một cái áo mới sáng sủa, với dàn đèn mới mà mình hay gọi là “sáng mù mắt”. Giờ đây cái studio đã thay đổi khá nhiều, sau khi biết được về phương pháp dọn nhà Konmari của Marie Kondo thì mình đã chào tạm biệt rất nhiều đồ “đồng nát đầy kỉ niệm” năm xưa. Ở một không gian “bình mới rượu cũ”, mình vừa thấy thân thương, lại vừa thấy lòng tràn đầy cảm hứng. Hoá ra là ta có thể làm cho một không gian cũ lắm, chán lắm trở nên đẹp hơn được…bằng tiền.
Và ai biết được, có thể vài năm nữa khi cuộc sống và tài chính ổn định hơn, mình sẽ có một studio ở đâu đó xa xôi hoặc thậm chí là studio “di động trên từng cây số” – chính là các quán cafe ven đường khi mình đi thực hiện một dự án thú vị nào đó.
Mình chợt nhận ra khi viết những dòng này, mình chỉ có đúng một lần có phòng riêng trong suốt cuộc đời, đó là trong hai năm đầu bước chân vào cuộc đời, mình đi làm công sở và vẫn ở nhà bố mẹ. Khi mình thực sự có một chỗ nào đó, thì đó là cái Studio nơi mình vẽ. Cuộc sống của mình vào quãng trưởng thành là quay quanh bàn vẽ. Chiếc bàn lớn lên và mình cũng lớn lên.
Có câu, cuộc đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, không biết với tốc độ thay đổi theo từng năm, Studio và mình sẽ đi về đâu nhỉ?