Tháng Năm trôi đi quá nhanh. Chỉ khi giở lịch Google Calendar ra mình mới nhận thấy tháng Năm đã vội qua mất, vì mình đã làm được rất nhiều việc. Lịch làm việc của mình được phân loại bằng màu, vì vậy tháng Năm của mình có màu như thế này:
Lịch “Cầu Vồng”. Nhiều việc, rất nhiều việc cần làm! Chắc là những ai dùng Google Calendar sẽ hiểu ^^
Tháng này, mình chú trọng vào cải thiện năng suất lao động. Thay vì dằn vặt bản thân sao không vẽ đẹp hơn, mình chuyển hướng sang đầu tư thời gian vào việc tìm cách “làm việc hiệu quả” hơn. Nói chung, mình đang cố thúc ép bản thân, tìm một hướng đi tích cực hơn là “chỉ đơn giản là vẽ đẹp”. Dù nghe có vẻ hơi thiếu tự nhiên và tự nguyện, nhưng đôi khi ta phải quyết tâm tách mình ra khỏi lối suy nghĩ đã cũ, vốn không còn mang lại niềm vui.
Cách đây 2-3 năm, mình thường mất cả tuần để vẽ xong một bức tranh hoàn thiện. Giờ đây là khoảng 1-2 ngày. Điều này tuy không chứng tỏ mình đã vẽ giỏi lên nhưng nó cho thấy mình bắt đầu biết “phân tích” và “phân loại”. Không phải tranh nào mình cũng đâm đầu vào tỉa tót cho thật khủng. Mình đặt câu hỏi: Mục đích của tranh này là gì? Cách đơn giản và hiệu quả nhất để đạt được mục đích đó là gì?
Khi giở sang phần lịch làm việc tháng Tư trống trải với phần lớn các ô màu trắng, mình nhận ra là mình đã thay đổi khá nhiều chỉ trong một tháng. Đó cũng là lí do mình rất hay rơi vào trạng thái mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng vì chưa quen với cường độ làm việc. Tuy nhiên trong tâm trí thì mình vẫn rất hào hứng, muốn học nhiều cái mới. Thật không dễ để ngừng suy nghĩ về công việc, kể cả trong lúc ngủ.
Chăm chỉ vẽ trên đường đi công tác!
Tháng Năm mang lại cho mình hai cơ hội.
Cơ hội thứ nhất đưa mình gặp những người bạn mới, để thấy mình còn quá nhỏ bé.
Quá trình minh hoạ dành cho video sản xuất bởi studio Ếch Phu Hồ. Video thuộc chiến dịch truyền thông cho website https://banchon.vn/
Các bạn bằng tuổi mình, nhưng đã đi một con đường gai góc từ cách đây 4-5 năm trước rồi. Ở tuổi đôi mươi, nó đòi hỏi một sự can đảm và bền bỉ nhất định. Mình chỉ bắt đầu khi đã trưởng thành hơn về suy nghĩ và vững vàng hơn một chút về cảm xúc, vậy mà nhiều lúc vẫn cảm thấy chưa đủ.
Đồ vẽ mang đến Studio của Ếch Phu Hồ
Cơ hội thứ hai đưa mình đến Hội An, gặp gỡ một gia đình hiện đại và cực kỳ thú vị. Gia đình nhỏ này làm mình nhớ đến chính nhà mình cách đây khoảng 10 năm, khi cả nhà cùng rong ruổi trên những cung đường bằng ô tô. Mình được gặp một bạn nhỏ 4 tuổi có tâm hồn trong vắt, với các loài khủng long, các hành tinh, hệ mặt trời xuất hiện trong mọi câu chuyện và các nét vẽ.
Các bạn khủng long đi tắm biển – Tout Tout vẽ
Hội An của năm nay thật khác, không còn phố mưa chật ních khách du lịch chen chúc, mùi của người của đất của sông bốc lên nồng nặc. Những ngày cuối tháng Năm, Hội An hiện ra là một thành phố đẹp đầy nắng, chứa đầy những câu chuyện, những tích, những biểu tượng, những tên gọi thú vị.
Hội An – Ảnh: Lê Hồng PhươngThợ làm bạc ở Hội An – Ảnh: Lê Hồng PhươngĐèn lồng – Ảnh: Lê Hồng PhươngNắng chiều ở Hội An – Ảnh: Lê Hồng Phương
Chuyến đi cuối tháng Năm đã nạp lại năng lượng cho mình. Về lại Hà Nội với studio bé nhỏ, vội vã chen chân vào tháng Sáu, mình tiếp tục làm việc và lên lịch “cầu vồng”. Chuyến đi đã gieo vào mình một mong muốn được di chuyển nhiều hơn. Mỗi ngày ở Hội An, mình muốn vẽ thật nhiều. Không phải là cảm giác khi vẽ trong studio của mình ở Hà Nội, nhiều khi là thách thức và thúc ép. Đó là cảm giác muốn bày tỏ cảm xúc của mình một cách rất tự nhiên, cứ muốn vẽ mà thôi. Mình sẽ nhớ cảm giác ấy và tìm cách để có lại nó thật sớm.
Có lẽ từ khi mình “đấu tranh” với gia đình để được ở riêng năm mình 23 tuổi, thì Studio của mình cũng được hình thành. Studio bao nhiêu năm cho đến nay vẫn chỉ là một góc học tập nho nhỏ, khi có, khi không gắn liền với chỗ mình sống. Có chăng là đến nay nó đã gọn gàng hơn và tinh giản hơn trước rất nhiều. Mình nghĩ rằng, sự thay đổi của góc học tập này cũng phản chiếu sự thay đổi trong chính con người mình. Khởi đầu là vào năm 2015, mình mở một tiệm gốm tại nhà.
Cửa hàng gốm Dímy – 2015
Để dành chỗ cho phòng bán gốm ở bên ngoài, mình “phải sống” trong Studio của mình, theo nghĩa đen, nghĩa là ngủ ngay sát cạnh bàn học. Và vào thời điểm đó, mình vẫn còn cực kỳ mộng mơ. Mình sưu tầm đủ thứ mà mình thấy dễ thương, lạ kỳ và đặc biệt. Kiểu như một cái cúc áo hay hay, một quả thông, một cái lọ trông có vẻ dị dị,.v.v…Sở thích này khiến Studio của mình lúc nào cũng ngập trong đồ, đồ vẽ, đồ chơi đủ loại (mà mẹ gọi là đồng nát) và sách truyện.
Rồi mình cũng bận vẽ và tiệm gốm phải đóng cửa, mình nhận ra rằng một mình mình không đủ sức cáng đáng cả sự nghiệp và sở thích kinh doanh cùng một lúc. Một lần nữa, Studio lại được biến đổi. Máy tính, máy scan thay thế cho gốm. Ở thời điểm này, khi mở mắt dậy, điều đầu tiên mình nhìn thấy không phải là cái bàn học nữa, chỗ học và chỗ ngủ đã được tách rời.
Cửa hàng gốm đã được thay thế bởi bàn học – 2016
Đến ngày hôm nay, hai phần ba số đồ đạc trong hình đã biến mất, được thay thế bởi những thứ thực dụng hơn là chỉ để trang trí cho đẹp. Ngày đó, có lẽ mình chỉ quan tâm đến cảm giác mình có được khi ở quanh những thứ đồ này, dù mỗi ngày mình có đá phải chân bàn bao nhiêu lần, có phải giữ con mèo tránh khỏi những đồ trang trí hay phát điên vì cố gắng giữ sạch mọi thứ khỏi bụi bẩn nhưng không được.
Phiu Thi bên cửa sổ cạnh bàn học – 2016
Đồ đạc trong Studio cũng đánh dấu những biến chuyển trong phong cách vẽ của mình. Ở thời kỳ đầu, mình chủ yếu vẽ nét (linework) phục vụ trend làm sách tô màu, đột ngột rộ lên vào năm 2016 . Và chiếc bàn kính là một công cụ cũng tạm được, dùng để can nét. Tuy nhiên thực lòng mà nói, mình chưa bao giờ ưa thích chiếc bàn này, không hiểu làm cách nào để ngồi làm việc thoải mái với nó, không hiểu sao những người làm kiến trúc có thể thoải mái làm việc với chiếc bàn này nhỉ? Dù sao thì, chỉ sau một vài tháng sử dụng, chiếc bàn không còn hữu ích với mình nữa và được chuyển ngay cho người khác khi mình đổi dần sang vẽ với Photoshop và tô màu bằng Wacom.
Mình còn nhớ ở thời điểm này, không khí làm việc trong Studio khá là nặng nề. Mình thường chạy deadline nối từ project này sang project khác, làm việc đến 2-3h sáng, thức dậy vào buổi trưa và cố ăn nhanh để tiếp tục làm việc. Món ăn thường xuyên của mình là lườn gà luộc cho thêm chút gia vị và cơm trắng, bữa ăn tối giản không có rau. Đôi khi, mình ăn luôn trên bàn vẽ và vừa ăn vừa làm việc, chẳng tốt cho sức khoẻ chút nào nhỉ. Nhưng khi ta còn trẻ, sức khoẻ là thứ duy nhất ta còn dư thừa. Cũng như bạn bè và những người trẻ khác, mình chẳng quan tâm lắm đến việc chăm sóc bản thân.
Một số lúc, năng lượng trong mình thực sự cạn kiệt. Mình còn nhớ những buổi tối, khoảng 11h, mình ngẩng mặt lên khỏi màn hình máy tính và thấy trời đã tối rồi…Cả ngày mình ở trong phòng và chẳng gặp ai cả. Mình quyết định đi bộ ra ngoài đường, mua một cốc cafe Latte ở tiệm cafe gần nhà. Cầm cốc cafe nóng trên tay, đi bộ ở vườn hoa lúc đó vẫn còn chưa vắng vẻ, mọi người ngồi chơi, rồi người vô gia cư nằm co ro trên các ghế đá,…mình thực sự cảm thấy cực kì trống rỗng. Cuộc sống của mình khi đó không có nhiều liên kết với mọi người, có rất ít lựa chọn để sẻ chia, cũng chẳng chia sẻ mấy với ai. Và vào buổi tối đó, đây là cái mà mình gọi là tự do? Mình đã nghĩ cuộc đời mình lúc đó thực sự cũng chán. Mình vẽ không phải cho mình, cũng kiếm được tiền nhưng chẳng có thời gian tiêu nó vào việc gì ngoài việc nửa đêm ra đường đi bộ mua một cốc cafe và hóng gió…một mình. Vào cuối giai đoạn tù túng đó, mình có tác phẩm đầu tiên được đăng trên báo Heritage. Đây là bước ngoặt mới, bởi sau đó mình bắt đầu nghĩ đến việc bản thân có được gì từ những thứ mình tạo ra. Tại Studio lúc đó, mình đã tận hưởng chiến thắng đầu tiên này…một mình. (Ha ha)
Ngày nhận được tạp chí Heritage có đăng truyện Từ Thức Gặp Tiên do mình minh hoạ – 2016
Năm 2017, trong một nỗ lực giúp một người bạn làm bộ phim để đời (phim tốt nghiệp) của bạn ấy, hầu như toàn bộ đồ đạc trong Studio của mình được chuyển đến rừng Cúc Phương, nơi đặt bối cảnh quay. Một số đồ đã rơi vãi và nằm lại trong rừng, mình chẳng bao giờ còn gặp lại…
Làm việc trong rừng Cúc Phương – 2017
Ra ở riêng tại một căn nhà cũng thuộc sở hữu chung của gia đình thì cũng không hẳn là đấu tranh, và bố mẹ mình thực sự cũng không hề căng thẳng trong vấn đề này. Tuy nhiên đối với mình, tách riêng để cố gắng xây dựng một cuộc sống tự chủ hơn thực sự là một điều quan trọng và mình chưa bao giờ hối hận với điều đó. Thật là may mắn nhỉ, nhưng vào năm 2017, mình không nghĩ như vậy. Lúc đó mình chỉ nghĩ đến việc “hoàn toàn tự lập”. Mình đã quyết tâm ở riêng nơi khác và thâm chí thuê riêng một căn phòng nhỏ xinh, cách chỗ ở tận 10km để làm Studio (phần vì mình không đủ tài chính để thuê gần nhà, phần vì căn phòng nhỏ này là của một người bạn và mình nghĩ rằng có thể hỗ trợ bạn ấy bằng cách thuê lại). Hằng ngày, trên cung đường dài ngoằn ngèo bên Hồ Tây, khoảng cách xa như thế không làm mình nhụt chí. Mình có một em phụ tá dễ thương, có bạn bè – cũng là những học viên đầu tiên tham gia khoá học màu nước của mình.
Studio Hà Nội Bé Bé – 2018Lớp học vẽ gồm toàn bạn bè thân thiết tại Hà Nội Bé Bé – 2018
Vào thời điểm này, mình đã chuyển sang vẽ màu nước, vì vậy toàn bộ hệ thống hoạ cụ đã thay đổi rất nhiều so với Studio cũ. Và với bước chuyển mình này, một suy nghĩ đã dần loé lên, đó là: Mình có thể chia sẻ những gì mình đang làm, với mọi người! Và hệ thống máy ảnh và chân máy dần dần xuất hiện trong Studio, nhưng điều đó cũng tương đương với việc mình phải học rất nhiều thứ mới.
Buổi tối ngủ lại studio để chạy deadline – 2018
Những đêm chạy deadline, mình ngủ lại tại Studio này. Đây không phải là nhà của mình, chỉ là một căn phòng nhỏ lạnh lẽo trên tầng hai của một căn nhà cũ kỹ bên Hồ Tây. Mùa đông lạnh, ẩm thấp và buồn, nhưng cảm hứng làm việc của mình lúc đó đã rất khác so với những ngày cày việc ở Studio cũ. Mình không buồn, không chán, cũng không cảm thấy sợ, chỉ muốn được làm việc nhiều và tốt hơn nữa.
Cuối năm 2018, mình chuyển lại về căn nhà cũ của gia đình. Phần vì lí do tài chính, phần vì nó không phù hợp với việc gặp gỡ với mọi người do địa điểm quá xa xôi. Mình sửa sang lại cái studio từ năm nào, và cho nó một cái áo mới sáng sủa, với dàn đèn mới mà mình hay gọi là “sáng mù mắt”. Giờ đây cái studio đã thay đổi khá nhiều, sau khi biết được về phương pháp dọn nhà Konmari của Marie Kondo thì mình đã chào tạm biệt rất nhiều đồ “đồng nát đầy kỉ niệm” năm xưa. Ở một không gian “bình mới rượu cũ”, mình vừa thấy thân thương, lại vừa thấy lòng tràn đầy cảm hứng. Hoá ra là ta có thể làm cho một không gian cũ lắm, chán lắm trở nên đẹp hơn được…bằng tiền.
Và ai biết được, có thể vài năm nữa khi cuộc sống và tài chính ổn định hơn, mình sẽ có một studio ở đâu đó xa xôi hoặc thậm chí là studio “di động trên từng cây số” – chính là các quán cafe ven đường khi mình đi thực hiện một dự án thú vị nào đó.
Mình chợt nhận ra khi viết những dòng này, mình chỉ có đúng một lần có phòng riêng trong suốt cuộc đời, đó là trong hai năm đầu bước chân vào cuộc đời, mình đi làm công sở và vẫn ở nhà bố mẹ. Khi mình thực sự có một chỗ nào đó, thì đó là cái Studio nơi mình vẽ. Cuộc sống của mình vào quãng trưởng thành là quay quanh bàn vẽ. Chiếc bàn lớn lên và mình cũng lớn lên.
Có câu, cuộc đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, không biết với tốc độ thay đổi theo từng năm, Studio và mình sẽ đi về đâu nhỉ?